Thu ngân sách thêm một năm thắng lợi lớn

20:54, 22/12/2022

Năm 2022, với tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 121% dự toán năm; nhiều địa phương, khu vực vượt cao so với dự toán được giao. Tổng thu NSNN của huyện Hải Hậu năm 2022 ước đạt 542,3 tỷ đồng, bằng 203% dự toán tỉnh giao. Tại huyện Nam Trực, thu NSNN từ kinh tế trên địa bàn năm 2022 ước đạt 431 tỷ đồng, bằng 123,4% dự toán tỉnh và huyện giao. Trong đó: Thu từ tiền cấp quyền sử dụng đất ước đạt 315 tỷ đồng, bằng 121,1% dự toán giao; thu thường xuyên ước đạt 116 tỷ đồng, bằng 129,8% dự toán giao. Tại khu vực thành phố Nam Định - Mỹ Lộc, ước tổng thu NSNN năm 2022 đạt 1.198,6 tỷ đồng, bằng 151% dự toán tỉnh giao. Trong đó, nhiều khoản thu vượt mức cao so với dự toán giao như thu tiền sử dụng đất vượt 80%, thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản vượt 83%...

Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định).
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định). 

Với kết quả này, công tác thu NSNN của tỉnh được đánh giá thêm một năm thắng lợi khi phải thực hiện trong bối cảnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong những tháng đầu năm; giá xăng dầu và các mặt hàng biến động mạnh, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. 

Để có thêm một năm thắng lợi, công tác thu NSNN có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và toàn thể người dân, doanh nghiệp. Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng các biện pháp kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Mặc dù việc thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế có dẫn đến giảm nguồn thu song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nên vẫn tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Nhờ đó, nền kinh tế có sự khởi sắc ấn tượng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới. Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,07%, cao nhất từ trước đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,3%; giá trị hàng xuất khẩu ước tăng 14,4% so với năm 2021; hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định… Bên cạnh đó, trong đóng góp cho tăng thu phải kể đến nỗ lực tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu của cơ quan thuế, hải quan. Nhất là, đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử, rà soát những nguồn thu có tiềm năng để đưa vào quản lý thu, như: hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới, hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh; triển khai Cổng thanh toán điện tử dành riêng cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện quyền kê khai, nộp thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. 

Ngoài ra, các địa phương đều có nhiều nỗ lực và giải pháp riêng để tăng thu NSNN. Tại huyện Hải Hậu, các xã, thị trấn đã rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, các khoản thu phí, lệ phí, các khoản thu khác đặc biệt là thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản vào NSNN; tiếp tục tạo nhiều chuyển biến tích cực trong thu ngân sách từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở, ra thông báo và đôn đốc các hộ trúng đấu giá quyền sử dụng đất nộp tiền trúng giá đất vào NSNN kịp thời, đúng thời gian quy định. Còn ở huyện Nam Trực, phải kể đến việc cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu cho ngân sách… Khu vực thành phố Nam Định - Mỹ Lộc thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính, không để xảy ra các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ công chức thuế khi thi hành công vụ; giải quyết nhanh chóng, kịp thời đúng hạn và trước hạn công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; duy trì ổn định gần 100% tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai, nộp, hoàn thế điện tử; kịp thời giải quyết miễn, giảm, gia hạn nộp thuế theo đúng chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ.

Năm 2023 là năm thứ hai của thời kỳ ổn định ngân sách mới, năm thứ ba (năm bản lề) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhiệm vụ thu NSNN khá nặng nề bởi kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục khó khăn do những hệ lụy hậu COVID-19 và các vấn đề xung đột chính trị, quân sự khác trên thế giới. Những kết quả đạt được năm 2022 sẽ tạo tiền đề, động lực quan trọng cho công tác thu NSNN năm 2023 của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com