Tận dụng nguồn thảo mộc có sẵn trong tự nhiên, nhằm làm thay đổi thói quen sử dụng hương hóa chất, không rõ nguồn gốc của nhiều người dân, bà Bùi Thị Lan, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đã tạo nên sản phẩm hương thảo mộc thân thiện với môi trường. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất của bà Lan còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Bà Bùi Thị Lan ở phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) chuẩn bị đưa hương vào lò sấy. |
Cơ sở sản xuất hương thảo dược của bà Lan nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo khác nhau như hương vòng, hương nén, hương đen… mang đặc trưng thanh khiết, phảng phất thơm lâu. Đó là tinh túy hòa quyện từ hơn 20 loại thảo mộc như: Quế, hồi, trầm, hoàng đàn, nhục đậu, đinh hương, xuyên khung, rễ hương bài, nhựa trám… Sản phẩm hương làm từ những loại nguyên liệu này không chỉ phục vụ cho nhu cầu tâm linh mà còn có hương thơm mang tới cảm giác thoải mái, tốt cho sức khỏe. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, bà Lan sẽ có cách pha chế bột hương khác nhau. Có loại đậm mùi trầm, có loại phảng phất mùi hoa lá tự nhiên, cũng có loại hương khi đốt lên sẽ có mùi thơm của thuốc bắc. Để có được những nén hương thơm dâng lên bàn thờ tổ tiên, người làm hương tại cơ sở của bà Lan phải lần lượt làm các công đoạn như: pha chế bột hương, se, nén, phơi hương…; các vị thảo mộc được cân, đong theo tỷ lệ nhất định. Tăm hương được chế tạo công phu, hương bình thường có chiều dài từ 32-45cm, tăm hương sào dài 80-100cm và được nhuộm đỏ để tăng vẻ đẹp, cũng là đánh dấu phần chân hương. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu hoàn tất, những người thợ tiến hành se, nén hương. Trước đây, khi chưa có máy móc, mọi công đoạn chế biến hương đều phải làm thủ công nên người làm hương rất vất vả. Từ việc đi chặt tre đem về cưa thành từng khúc, chẻ nhỏ, vót rồi phơi khô để làm cốt cho đến nghiền bột, phơi hương thành phẩm... đều phải làm bằng tay nên năng suất thấp và hương làm ra cũng không đều, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 8.000 que hương. Để giảm bớt thời gian sản xuất, công lao động, cơ sở của gia đình bà Lan đã đầu tư mua máy làm hương. Từ đó, năng suất sản xuất hương tăng cao hơn, từ 20 nghìn đến 30 nghìn que hương một ngày, cây hương làm ra rất đều, đẹp. Bà Lan cho biết: “Nghề làm hương dễ nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật nếu không hương không đủ độ thơm và nhanh khô. Dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ làm hương vẫn phải có sự chỉn chu, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo”. Theo kinh nghiệm làm nghề lâu năm của bà Lan, một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên mùi thơm của cây hương là chạy nhựa. Thông thường, nhựa được dùng làm hương là loại nhựa của cây trám. Sau đó, nhựa trám sẽ được trộn cùng bột than rồi đưa vào cối giã nát. Hiện nay, công đoạn chạy nhựa được thực hiện bằng máy xay nên người dân đỡ vất vả hơn nhiều. Cây hương đạt chuẩn là phải thẳng, tròn, đều và có màu vàng nâu, tùy theo công thức pha chế của mỗi cơ sở mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau bởi mỗi người thợ sẽ có những cách pha trộn nguyên liệu khác nhau.
Thời điểm này, dù chưa đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng để chủ động số lượng hàng hóa, cơ sở của bà Lan đã tập trung nhân lực sản xuất cả ngày lẫn đêm. Hiện tại gia đình bà cũng đã nhận được nhiều đơn hàng. Thời điểm cuối năm, lượng hương phục vụ cho nhu cầu của thị trường tăng gấp 30-40 lần so với ngày thường. Các thương lái từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình... phải gọi điện đặt hàng trước hoặc vào tận cơ sở để nhập hàng. Những người thợ làm hương với đôi tay khéo léo, dẻo dai se, nén hương que điêu luyện; giữ khuôn, lắc, xếp, rải vòng thoăn thoắt. Hương thành hình được phơi, sấy trên phên hoặc được đưa vào lò sấy sao cho đảm bảo thẩm mỹ mà còn dậy mùi, nhạy bắt lửa. Tận dụng những ngày nắng ráo, cơ sở của bà Lan cũng như nhiều cơ sở làm hương khác trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục làm hương. Dịp cuối năm thời tiết thường mưa phùn cộng nồm ẩm, nên hầu hết các cơ sở sản xuất hương phải sử dụng lò sấy để hương khô nhanh và không bị mốc. Dịp gần Tết, để kịp các đơn hàng, cơ sở của bà Lan phải thuê thêm nhân công. Vì vậy, doanh thu mỗi tháng áp Tết ước đạt khoảng 50 triệu đồng.
Bà Lan cho biết, bà dành rất nhiều tâm huyết với nghề sản xuất hương thảo mộc, mong muốn truyền nghề cho con cái để nối nghiệp. Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, bà Lan còn sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Nhiều năm liền, bà được Hội Phụ nữ phường Lộc Vượng biểu dương là điển hình về phát triển kinh tế, luôn chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp Hội phát động.
Với hướng đi mới, sản phẩm hương thảo mộc của cơ sở bà Bùi Thị Lan đã ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin