Khẳng định vai trò động lực kinh tế của tỉnh

18:24, 08/12/2022

Nhìn lại năm 2022, tuy gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song các cấp, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục khởi sắc với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,3% so với năm 2021, khẳng định vai trò động lực, đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế tỉnh.

Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty Cổ phần Tân Triệu Phát, xã Hải Vân (Hải Hậu).
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty Cổ phần Tân Triệu Phát, xã Hải Vân (Hải Hậu). 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện để công nghiệp phát triển nhanh, chất lượng và hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, giảm miễn thuế, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh. 

Tỉnh đã có những đổi mới trong chiến lược đầu tư phát triển như: Duy trì phát triển các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, xương sống, đã đi vào sản xuất ổn định. Đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ hiệu quả để các doanh nghiệp đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án quy mô lớn, tiêu biểu như Tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng)... Bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, trong năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã năng động nắm bắt cơ hội, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, tích cực tìm kiếm, phát triển thị trường, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm... Nhờ đó, dù “di chứng” của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới sản xuất công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm tại thị trường xuất khẩu nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những bước phát triển tích cực với mức tăng 14,58% so với năm 2021, đạt tốc độ tăng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp. Đóng góp vào sự phát triển này có vai trò lớn của doanh nghiệp các ngành chế biến, chế tạo truyền thống, có lợi thế về uy tín, thương hiệu của tỉnh ở các lĩnh vực: Dệt và sản xuất trang phục; cơ khí; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; da giày và sản phẩm có liên quan; sản xuất và chế biến thực phẩm; sản xuất thuốc và dược liệu. Nhóm doanh nghiệp ngành dệt may nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giữ tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp và GRDP của tỉnh, tiếp tục giữ vai trò trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng với quy mô giá trị tăng thêm của ngành may mặc đứng thứ 2/11 tỉnh, thành phố chỉ sau Hà Nội. Trong đó, nhiều công ty quy mô lớn ngành dệt, sản xuất trang phục và ngành sản xuất da, giày không ngừng nâng tầm thương hiệu, uy tín mạnh trên thị trường như: TCE VINA DENIM, Dệt nhuộm Sunrise, May Sông Hồng, Youngone Nam Định, Giày AMARA Việt Nam, Golden Victory Việt Nam, Yamani Dynasty... Các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo và gia công kim loại tiếp tục khẳng định vai trò là ngành truyền thống thế mạnh của tỉnh, có kinh nghiệm cao, đội ngũ lao động tương đối lành nghề; không ngừng đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm (luyện cán thép, đúc thép, đúc hợp kim, sản xuất động cơ, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, đúc chi tiết máy công nghiệp...); nhạy bén tiếp cận các cơ hội thị trường mới, đáp ứng nhanh nhu cầu các sản phẩm cơ khí chất lượng cao ngày càng tăng; tiếp tục giữ vị trí đóng góp lớn thứ hai trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và GRDP toàn tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu đã khai thác hiệu quả các vùng dược liệu lớn nhất của tỉnh, nhất là vùng trồng dược liệu chất lượng cao trọng điểm của tỉnh ở huyện Hải Hậu; tiếp tục khẳng định thế mạnh sản xuất các sản phẩm dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng sản lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: muối biển, thịt lợn đông lạnh, nước mắm, gạo xay xát, bánh kẹo các loại, muối chế biến, rượu trắng, bia các loại, và một số sản phẩm thủy, hải sản (ngao biển, tép moi, tôm biển)...

Để khai thác, thúc đẩy vị thế công nghiệp là ngành kinh tế động lực, thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, gia tăng các chương trình, biện pháp tái cấu trúc, phát triển ngành công nghiệp. Chú trọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu theo hướng có chọn lọc các lĩnh vực công nghiệp mà Nam Định đang có lợi thế, có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị quốc gia, giá trị toàn cầu; lấy công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa là nền tảng chủ đạo; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu là trung tâm; công nghiệp thông minh là đột phá; công nghiệp xanh là hướng đi bền vững. Ưu tiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thu hẹp tỷ lệ nông nghiệp sang tăng dần tỷ lệ công nghiệp trong GRDP. Tiếp tục duy trì phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng, có lợi thế theo hướng chuyển dần từ gia công đơn công đoạn sang hướng sản xuất tuần hoàn, bao gồm các ngành: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế tạo cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện thép, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu khác. Quan tâm phát triển các ngành công nghiệp mới gắn với kinh tế biển như luyện thép và sản phẩm sau thép, chế biến nông, lâm, thủy sản, năng lượng và sản xuất vật liệu trên cơ sở ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Tỉnh tiếp tục điều tiết tốc độ tăng trưởng công nghiệp theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng GRDP công nghiệp - xây dựng chiếm 47-47,2% GRDP của tỉnh; đến năm 2030, dự kiến đạt khoảng 51-53% và tầm nhìn đến 2050 đạt khoảng 45-50%; sớm đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com