Đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

08:11, 28/12/2022

Nam Định có các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đa dạng, phong phú về chất lượng, chủng loại nhưng do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và thời tiết nên giá trị gia tăng thấp, giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh. Những năm qua, tỉnh đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến để khắc phục hạn chế này, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần quan trọng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững. 

Người tiêu dùng mua thực phẩm chế biến sẵn của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát (thành phố Nam Định) tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định.
Người tiêu dùng mua thực phẩm chế biến sẵn của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát (thành phố Nam Định) tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN và PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh có 432 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thuỷ sản đăng ký kinh doanh. Trong đó, nhiều cơ sở đã đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại và đạt được trình độ chế biến tương đương các nước phát triển. Tiêu biểu là Công ty Biển Đông DHS đầu tư dây chuyền giết mổ gia súc hiện đại công nghệ Hàn Quốc, công suất thiết kế giết mổ 3.000 con lợn/ngày, sử dụng công nghệ tự động hoàn toàn, làm lạnh nhanh; Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam với dây chuyền xử lý tạp chất, chế biến ngao thịt đóng hộp khép kín, hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất của EU, công suất chế biến 25 tấn/ngày; Công ty TNHH một thành viên Minh Dương với dây chuyền chế biến nông sản sấy khép kín, hiện đại công suất 500 tấn thành phẩm/ngày (tương đương 1.200 tấn nguyên liệu đầu vào)... Lĩnh vực chế biến lúa gạo, rau, củ, quả đang có bước phát triển mạnh với 15 nhà máy chế biến lúa gạo công suất chế biến từ 4-40 nghìn tấn/năm; 5 nhà máy chế biến rau, quả, nông sản sấy, nước ép đóng lon và trên 70 cơ sở quy mô nhỏ có đầu tư máy móc thiết bị đời mới để chế biến các sản phẩm từ trồng trọt như ép dầu lạc, dầu vừng, đậu phụ, miến, bún, bánh… Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thực phẩm theo công nghệ mới bằng thiết bị hiện đại và hợp tác liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, điển hình như: mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao của Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh, Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình liên kết chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Công ty Cổ phần Sản xuất trà dược liệu Ngọc Anh… 

Để đạt được kết quả trên, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ trong tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu ban đầu (hệ thống chăn nuôi, trồng trọt, khai thác thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao) đến thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến. Ưu tiên phát triển các chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp chế biến làm đầu tàu, liên kết chặt chẽ với các vùng sản xuất nguyên liệu chủ lực. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời tập trung xây dựng và tổ chức quản lý chặt chẽ thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý thông qua việc cấp giấy chứng nhận, duy trì quản lý tốt cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển ngành chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Tỷ lệ cơ sở quy mô nhỏ quá nhiều. Trong 432 cơ sở chế biến thì có đến 309 cơ sở (bằng 71,5%) nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Các cơ sở này chủ yếu sử dụng công nghệ chế biến lạc hậu, tận dụng, sản xuất mang tính “tự cấp, tự tiêu” là chính, chưa có sự liên kết, hợp tác ổn định, chặt chẽ với đơn vị cung ứng nguyên liệu và các nhà cung cấp ra thị trường cuối cùng. Các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao còn rất ít, chủ yếu là sơ chế, chế biến nhỏ lẻ (chiếm trên 80%), chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Khả năng chế biến của một số ngành hàng chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng nông sản tại địa phương, nhất là vào cao điểm của mùa vụ rau, quả... 

Theo đồng chí Trần Văn Kỳ, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, để phát triển ngành chế biến nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các cấp, ngành và các địa phương cần triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Trung ương đã ban hành (Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...). Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành chính sách đặc thù phù hợp của địa phương để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia vào sản xuất, chế biến nông sản; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển liên kết chuỗi và đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại trong chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả. Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất và áp dụng cơ giới hoá đồng bộ để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao phục vụ cho chế biến. Phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp có đủ năng lực dẫn dắt chuỗi, xây dựng thương hiệu mạnh. Ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến (đông lạnh nhanh IQF, sấy chân không, đồ hộp, cô đặc, công nghệ chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng, điều chỉnh khí quyển) trong chế biến, bảo quản nông sản. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản… Nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp, nông thôn; mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến và các tổ chức quốc tế để tranh thủ, thu hút nguồn vốn, mở rộng thị trường và tiếp cận công nghệ hiện đại. Triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác đã ký kết với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản).

Thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thuỷ sản đến năm 2030 theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh phấn đấu có 85% cơ sở thu mua, sơ chế, giết mổ gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ được ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu và các sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, thủy sản có cơ sở vật chất hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP, ISO 22000…; hỗ trợ phát triển 10-15 cụm (khu) chế biến nông sản, thủy sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại tạo ra các sản phẩm có giá trị để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, đưa trình độ công nghệ chế biến nông, thủy sản của tỉnh từ trung bình khá trở lên, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com