Tỉnh ta có 72km đường bờ biển, có 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển). Để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và lợi thế do biển mang lại, những năm qua tỉnh đã thiết lập, tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về biển, ứng phó biến đổi khí hậu ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã theo quy định và tập trung thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.
Các lực lượng công an, quân đội và học sinh huyện Giao Thủy chung tay thu gom rác thải ven biển. |
Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được đặc biệt chú trọng. Trong đó, từ năm 2018 bắt đầu tiến hành quan trắc môi trường biển và hiện duy trì 2 đợt/năm (mùa mưa và mùa khô) tại các điểm đặc trưng: xa bờ nhất, ở khu vực 4 cửa sông là nơi nhận các nguồn thải từ đất liền đổ ra biển, khu du lịch, khu vực bị xói lở và cống xả. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiểm soát các chỉ số quan trắc có dấu hiệu vượt quy chuẩn giới hạn cho phép, đánh giá chất lượng nước biển theo các giới hạn quy chuẩn môi trường Việt Nam cho phép (QCVN 10-MT:2015/BTNMT). Các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển được thực hiện đồng bộ. Tại nguồn thải có tác động trực tiếp tới môi trường biển đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn, giúp giảm 30-50% lượng rác thải phải đưa đi xử lý, tiết kiệm ngân sách; thay đổi thói quen phân loại xử lý rác sinh hoạt của người dân; hạn chế sử dụng phân bón hoá học; tái sử dụng rác thải hữu cơ như một nguồn tài nguyên, từ đó giảm thải nguồn gây ô nhiễm môi trường ra biển. Đẩy mạnh chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh với các phong trào không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, nhựa dùng 1 lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nilon..., tăng cường quản lý rác thải nhựa đại dương.
Để kiểm soát, xử lý nguồn thải từ sản xuất nông nghiệp tại vùng ven biển, các ngành, các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân không xả rác, chất thải bừa bãi ra biển, tổ chức thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, đặc biệt là các loại rác thải nguy hại đối với môi trường biển như hóa chất, dầu thải. Ban quản lý Cảng cá Nam Định đã xây dựng các điểm thu gom rác của tàu cá theo đúng quy định đảm bảo vệ sinh môi trường. Thường xuyên giám sát, theo dõi hoạt động tại các vùng nuôi thủy sản, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi sử dụng chất cấm, các chất gây hại đến môi trường. Công tác quản lý nguồn thải từ sản xuất công nghiệp, du lịch và chế biến hải sản ra môi trường biển đã được tăng cường thông qua việc xác nhận, phê duyệt, giám sát, kiểm tra các kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án trên biển, ven biển trong quá trình đầu tư và đi vào hoạt động.
Trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng ngập mặn ven biển, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tích cực phối hợp quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy; đã nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quy trình gieo ươm và trồng cây bần không cánh (Sonneratia apetala) góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tỉnh. Công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện theo hướng khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển, trong đó cơ bản là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đã thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác của tàu cá, tiếp tục giảm dần số lượng tàu cá nhỏ và cường độ khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản tại các khu vực này; khuyến khích phát triển tàu cá xa bờ khai thác tại các ngư trường mới, ngư trường biển xa; đồng thời thực hiện việc cấm khai thác trong 2 khu vực cấm có thời hạn, trọng điểm là khu vực ven biển Quất Lâm và Hải Thịnh. Đã tổ chức nghiên cứu khoa học về một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài Móng tay (Solen strictus) ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Qua đó xác định được một số đặc điểm sinh học, các yếu tố sinh thái ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, phát triển, hiệu quả kinh tế của loài; đề xuất được các giải pháp bảo tồn và khai thác bền vững loài; đề xuất được bản đồ phân bố và vùng bảo tồn loài Móng tay ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Công tác quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển bước đầu đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; sản lượng khai thác muối tại vùng biển tỉnh trung bình khoảng trên 22 nghìn tấn/năm; khoáng sản biển (khai thác cát) đạt trên 1 triệu m3/năm.
Trong khai thác du lịch theo 72km bờ biển, đã chú ý thực hiện định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Các ngành, các địa phương liên quan đã thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với 22 đoạn tại 14 xã, thị trấn thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu với tổng chiều dài 53.185m theo Quyết định số 3024/QĐ-UBND do UBND tỉnh phê duyệt ngày 31-12-2019; đã công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm; hiện đang tiếp tục thực hiện xác định chiều rộng, ranh giới và cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển. Công tác điều tra tổng hợp tài nguyên môi trường biển tỉnh chưa được triển khai thực hiện ở quy mô lớn, tuy nhiên các sở, ngành, địa phương đều đã tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học theo từng chuyên ngành, nhiệm vụ được giao.
Việc chú trọng bảo về tài nguyên, môi trường biển đã góp phần giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tại vùng ven biển của tỉnh thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân của người dân vùng kinh tế biển bằng mức bình quân chung của cả tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin