Ngành Công Thương hướng đến chuyển đổi số toàn diện

07:57, 19/12/2022

Thực hiện kế hoạch, chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh, ngành Công Thương đã quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy CĐS trong toàn ngành. Trong đó, đã hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất CĐS mạnh mẽ hoạt động sản xuất, quản trị doanh nghiệp và tham gia các hoạt động thương mại điện tử; đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng, nền tảng, dữ liệu số của ngành Công Thương.

Ứng dụng công nghệ số giúp Công ty Cổ phần Nam Tiệp (thành phố Nam Định) nâng cao chất lượng các sản phẩm may mặc xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ số giúp Công ty Cổ phần Nam Tiệp (thành phố Nam Định) nâng cao chất lượng các sản phẩm may mặc xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện CĐS, từng bước phát triển sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở bán lẻ đã sử dụng các phần mềm quản trị bán hàng; tận dụng công nghệ thực hiện đẩy mạnh quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội. Công ty Điện lực Nam Định đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ như: Kết nối hệ thống SCADA toàn bộ hệ thống lưới điện, thành lập Trung tâm điều khiển xa giám sát tự động hệ thống lưới điện tỉnh; đa số các giao dịch dịch vụ điện được thực hiện trên môi trường trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4, áp dụng thanh toán tiền điện trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, POS; giải quyết các vấn đề về cung cấp, dịch vụ điện lực qua tổng đài tự động 19006769. Việc ứng dụng công nghệ số đã mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm thuận lợi cho nhu cầu sử dụng dịch vụ điện của các tổ chức, cá nhân. Sở Công Thương giữ vai trò đầu mối, chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử lớn triển khai kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, tạo “cánh tay nối dài”, các kênh phân phối hàng hóa truyền thống, giúp các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc, thậm chí là xuyên quốc gia. Đáng kể, tham gia hoạt động thương mại điện tử đã giúp nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh (như gạo sạch Toản Xuân, nước mắm Ninh Cơ, muối sạch, muối dược liệu, nông sản sấy khô Minh Dương, rau xanh Nam Cường, Ngọc Anh, nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát…) ngày càng mở rộng được thị trường tiêu thụ rộng khắp trên toàn quốc và gia tăng tổng sản phẩm xuất bán. 

Việc đầu tư hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số được Sở Công Thương thực hiện theo hướng tập trung, thống nhất ưu tiên các tiêu chí về xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung dữ liệu của UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương. Hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin của Sở được nâng cấp, cải thiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao; đã có 46 máy tính để bàn, 1 máy tính xách tay, 1 máy chủ trong đó có 45 máy tính kết nối mạng internet, 1 máy tính không kết nối mạng dùng để soạn thảo văn bản mật, tất cả các máy tính đều được kết nối mạng internet nội bộ, 20% trong số đó được cài đặt các chương trình diệt virus bảo vệ thông tin. Các máy in, máy photo đều được kiểm tra hoạt động định kỳ bảo đảm hoạt động tốt và đều nằm trong mạng lưới nội bộ cơ quan; tạo điều kiện chia sẻ, in ấn tài liệu giữa các phòng, đơn vị. Triển khai áp dụng hệ thống thông tin nền tảng dùng chung của quốc gia, của tỉnh trong giải quyết công việc: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm cung cấp dịch vụ công, chứng thư số chuyên dùng, trang thông tin điện tử, hộp thư công vụ, hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, phần mềm kiểm soát thủ tục hành chính, phần mềm TS24 - Bảo hiểm xã hội. Sở Công Thương đã thực hiện rà soát các cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà đơn vị đang thực hiện quản lý, cần kết nối chia sẻ dữ liệu thông qua hệ thống nền tảng chia sẻ dữ liệu của tỉnh nhằm thiết lập kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành thông qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia và dự kiến đề nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu của ngành trong thời gian tới. Đã công khai cung cấp thông tin trên website Sở (http://socongthuong.namdinh.gov.vn), tạo thuận lợi cho công dân, cán bộ, công chức tiếp cận thông tin ngành bằng hình ảnh và các phương tiện nghe nhìn. Thường xuyên cập nhật, rà soát các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh và trên Trang thông tin điện tử của Sở. Xây dựng dữ liệu số trên trang chủ thông tin của Sở; hướng dẫn, tiếp nhận và triển khai công bố hợp quy các sản phẩm dệt may của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đăng tải lên hệ thống thông tin các sản phẩm dệt may phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Công tác đào tạo, đảm bảo trình độ nguồn nhân lực số, đảm bảo an toàn thông tin mạng cũng đã được Sở chú trọng, tăng cường. Hiện nay, 90-95% cán bộ, công chức, viên chức các phòng, đơn vị trực thuộc Sở biết sử dụng máy tính ở mức độ cơ bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc; tất cả các thủ tục hành chính của Sở Công Thương đều được thực hiện ở mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh…

Thời gian tới ngành Công Thương sẽ gia tăng các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để tăng tốc thực hiện CĐS. Trọng tâm là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo 100% văn bản, hồ sơ công việc (trừ văn bản mật) được xử lý trên môi trường mạng; 100% văn bản đi (trừ văn bản mật) của cơ quan và tất cả đơn vị trực thuộc được ký số. Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu năm 2023 đạt trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, trên 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến. Phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, tỉnh và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tiến hành xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Tiến hành chuyển đổi các dạng dữ liệu truyền thống như: hồ sơ, giấy tờ, văn bản bản cứng về các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2016 đến nay thành các định dạng dữ liệu kỹ thuật số, có thể quản lý và sử dụng điện tử (máy tính có thể hiểu và lưu trữ). Từng bước xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ việc kinh doanh, xuất nhập các sản phẩm dệt may, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên môi trường thương mại điện tử. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông sản CĐS, ứng dụng sản xuất thông minh, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy người dân tiêu dùng, mua sắm trên môi trường điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh trên cơ sở xây dựng, hình thành, phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com