Phát triển các ngành, khu vực kinh tế dịch vụ

18:39, 28/11/2022

Thời gian qua, các ngành, các địa phương đã bám sát chủ trương, định hướng của các bộ, ngành Trung ương, các mục tiêu, phương hướng Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 15-6-2020 của UBND tỉnh và tăng cường các biện pháp thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đóng góp của các ngành, khu vực kinh tế dịch vụ trong GRDP cũng như sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành, các khu vực dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, bao gồm: kinh tế du lịch; thương mại, khoa học và công nghệ; vận tải, logistics; tài chính ngân hàng; thông tin và truyền thông.

Du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch đồng quê tại vùng biển Thịnh Long (Hải Hậu).

Du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch đồng quê tại vùng biển Thịnh Long (Hải Hậu).

Theo đó, ngành du lịch được đặt trọng tâm là ngành phát triển mũi nhọn, vì vậy đang được tập trung thực hiện các dự án quy hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; đào tạo nhân lực và chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch khai thác tối đa các lợi thế (là vùng đất có nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể đã được công nhận, có nhiều làng nghề với nét đặc trưng văn hoá, mang đậm dấu ấn dân tộc, có đường bờ biển dài) có khả năng khai thác phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch biển… Thương mại đóng góp ngày càng lớn đến tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành dịch vụ nói riêng. Cơ sở hạ tầng thương mại được phát triển, có sự xuất hiện của các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại như cửa hàng chuyên doanh, siêu thị; hình thành hệ thống doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ với số doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh nghiệp toàn tỉnh và hệ thống các cơ sở cá thể phát triển rộng khắp theo nhu cầu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó khu vực tư nhân đóng góp chủ yếu vào cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Thương mại quốc tế đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều đối tác quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc với các mặt hàng lợi thế riêng của tỉnh, nhất là dệt may và da giày, nông sản chế biến, cơ khí chế tạo… Đã đẩy mạnh phát triển ngành vận tải, kho bãi (logistic) bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của tất cả hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại theo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là ngành có quy mô ở mức trung bình so với các ngành dịch vụ khác trong kinh tế của tỉnh nhưng duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm, cao nhất trong các ngành dịch vụ. Lĩnh vực thông tin và truyền thông đã từng bước đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Hạ tầng viễn thông được quan tâm đầu tư, kết nối cáp quang, phủ sóng 4G đến địa bàn các xã, phường, thị trấn; thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Năm 2020, tỉnh đã được Bộ TT và TT đánh giá, xếp hạng cao (xếp thứ 11/63) về hạ tầng kỹ thuật viễn thông, ứng dụng CNTT-TT (Chỉ số ICT-Index) đối với khối cơ quan Nhà nước và xã hội.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng toàn tỉnh hiện có gần 140 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại ngày được nâng lên, tổng nguồn vốn huy động và dư nợ đều tăng so với năm trước, nợ xấu được chú trọng kiểm soát; các hệ số an toàn được đảm bảo, chưa để xảy ra tình trạng mất khả năng thanh khoản. Duy trì thực hiện lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên và một số chương trình chính sách tín dụng lớn của Chính phủ. Các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ tài chính chất lượng cao được phát triển nhanh tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã lắp đặt các máy ATM và cung cấp dịch vụ thẻ trên toàn tỉnh; đã triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán quốc tế, góp phần đa dạng các hình thức thanh toán và tạo ra nhiều tiện ích hơn cho khách hàng trong thanh toán, chu chuyển vốn. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành ngân hàng đạt 7,3%/năm, cao thứ 2 trong các ngành dịch vụ, cho thấy những kết quả tích cực trong huy động và phát triển thị trường vốn nhằm cung ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Những kết đạt được đã khẳng định phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế dịch vụ tạo động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của ngành dịch vụ của tỉnh chưa cao; một số ngành dịch vụ mang tính “động lực” hay “huyết mạch” còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP của nền kinh tế, chưa phát huy được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Giữa các lĩnh vực dịch vụ chưa đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác để nâng cao tính cạnh tranh, cơ hội phát triển hiệu quả, sát thực với tình hình mới.

Qua đánh giá, xác định các hạn chế kể trên, tỉnh yêu cầu, thời gian tới các cấp, ngành, các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, khu vực kinh tế dịch vụ phù hợp với yêu cầu mới đặt ra trong phương án phát triển chung của tỉnh theo hướng phù hợp với nền tảng công nghệ hiện đại. Chú trọng xây dựng thiết chế phát triển cho các ngành dịch vụ, tạo lập hệ sinh thái phù hợp với các yêu cầu mới; hình thành các trung tâm cung ứng và điều phối dịch vụ các cấp từ tỉnh đến các huyện và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng nhằm gia tăng mức độ phục vụ trong các mối liên kết phát triển giữa huyện, tỉnh và vùng, giữa các cực phát triển trong tỉnh, đảm bảo phát triển cân bằng khắp các địa phương; xây dựng chuỗi giá trị phân phối cân bằng sản phẩm thiết yếu theo nhu cầu nội tỉnh và xuất khẩu với việc đẩy mạnh hệ thống lưu thông trực tuyến và thương mại điện tử. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển các ngành dịch vụ ở mức xã hội hóa cao. Phát triển thị trường dịch vụ theo hướng mở cửa và theo các cam kết quốc tế, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ.

 Trong đó, ngành du lịch tập trung phát triển theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm với các hình thái và sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử, tôn giáo, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng, du lịch chuyên đề hội thảo… trên cơ sở phát huy và hình thành từng bước các khu, cụm, điểm du lịch, dịch vụ có quy mô lớn theo phương án được lựa chọn và tiềm năng lợi thế của từng địa danh trong lãnh thổ. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với đóng góp 5-8% GRDP; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của tỉnh trên cơ sở tăng cường mối liên kết giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác trong cả nước; tăng cường liên kết quốc tế trong phát triển du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Trong lĩnh vực vận tải - logistics, tập trung phát triển thành một lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu phát triển của thương mại, xuất nhập khẩu, đặc biệt là phục vụ chuỗi sản phẩm thế mạnh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm quốc gia. Chú trọng phát triển các trung tâm logistics kiêm kho, bãi tại các cực phát triển ở thành phố Nam Định, Cao Bồ (Ý Yên), Rạng Đông (Nghĩa Hưng) và Giao Thủy; khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia đầu tư vào các dịch vụ trong phân đoạn khác nhau hình thành chuỗi liên kết giá trị dịch vụ logistics gồm: Doanh nghiệp vận tải - doanh nghiệp kho bãi - môi giới hải quan và các cơ sở sản xuất, thương mại để có thể thực hiện các dịch vụ trước và sau cảng trên phạm vi tỉnh, vùng…

Các biện pháp kể trên được gia tăng nhằm nỗ lực hướng đến các mục tiêu: giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân khoảng 9%/năm; đến năm 2025 tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38% tổng GDP toàn tỉnh và ngày càng tham gia sâu vào các liên kết chuỗi dịch vụ phía nam vùng đồng bằng sông Hồng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com