Áp dụng các mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

08:19, 28/11/2022

Hơn chục năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tình trạng xâm nhập mặn, mưa lớn, nắng nóng kéo dài với cường độ ngày càng cao đã làm thay đổi hệ sinh thái các vùng nước, thay đổi mùa sinh sản, làm tăng độ mặn hoặc làm nước bị ngọt hóa gây sốc, khiến nhiều loài thủy sản chết. Trong đó, các huyện ven biển và một số vùng đất trũng của tỉnh phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là ngành hàng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và một số đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh như tôm, ngao, cá biển… cũng nhạy cảm với sự thay đổi bất lợi này. Để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đối khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, Sở NN và PTNT đã tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp triển khai các mô hình canh tác nuôi thủy sản phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả cao cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm ở xã Hải Lý (Hải Hậu).
Áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả cao cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm ở xã Hải Lý (Hải Hậu).

Được ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Tiệm ở xã Hải Lý (Hải Hậu) đã quy hoạch 1,2ha đầm thành 11 ao có diện tích từ 900-2.000m2 mỗi ao để nuôi tôm thẻ chân trắng theo chuẩn VietGAP. Hệ thống cấp, thoát nước cho ao nuôi được đầu tư xây dựng riêng biệt đảm bảo chủ động, an toàn cho tôm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Mỗi ao nuôi đều có hệ thống quạt nước nhằm cung cấp đủ lượng ô-xy giúp cho tôm nuôi ổn định thể chất, khỏe mạnh và phát triển nhanh. Trong suốt quá trình nuôi tôm VietGAP, các thông số về khối lượng thức ăn từng ao được ông Tiệm ghi chép cẩn thận, chi tiết. Ông chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các loại vật tư nuôi được lựa chọn từ các doanh nghiệp có uy tín như: giống tôm thẻ chân trắng của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, thức ăn của Công ty TNHH De Heus… Bên cạnh đó, ông Tiệm sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên vừa giảm chi phí thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao, giảm dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho con tôm. Theo ông Tiệm, với mật độ tôm cùng chế độ nuôi hợp lý và tuân thủ nghiêm quy trình vệ sinh phòng bệnh, tôm sẽ phát triển tốt, ít mắc bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sau 4-5 tháng; năng suất bình quân đạt 9-10 tấn/ha/vụ. Với giá bán chính vụ từ 180 nghìn đồng/kg loại tôm 40 con/kg, vụ đông giá có thể lên tới 260-300 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Tiệm thu lãi bình quân từ 500-700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dinh ở đội 3, xã Giao Long là một thành viên của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long (Giao Thủy) đang được giao quản lý, sản xuất 1,4ha. Được ngành thủy sản, Phòng NN và PTNT huyện tập huấn, hướng dẫn, ông Dinh đã áp dụng nuôi các loại cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép xen với tôm thẻ chân trắng. Nhờ thực hiện tốt quy trình nuôi, các kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ con nuôi nên mỗi năm gia đình ông thu về trung bình từ 20-25 tấn thủy sản, sau khi trừ chi phí mang lại nguồn thu khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long, Nguyễn Hồng Khanh cho biết: Hiện nay, Công ty đang quản lý gần 210ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 142ha NTTS. Các đối tượng con nuôi chủ lực là cá trắm đen, cá trắm cỏ, chép, nuôi xen tôm thẻ chân trắng. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, hàng năm đội ngũ cán bộ kỹ thuật phối hợp với các thành viên của Công ty nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thời vụ thả giống phù hợp với từng đối tượng nuôi. Quan tâm đầu tư hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao bờ tránh thất thoát khi xảy ra mưa lũ; quan tâm, chú trọng công tác xử lý ao, tạo môi trường phù hợp với con nuôi. Nhờ đó, sản lượng thủy sản bình quân khoảng đạt 20 tấn/ha, doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng/năm. 

Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu trong NTTS, người nuôi cần chủ động áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới để vừa mang lại năng suất, sản lượng cao, vừa bảo đảm môi trường bền vững. Song song với đó, các địa phương có kế hoạch xây dựng, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng như: Hệ thống đê điều, hệ thống điện, trạm bơm, hệ thống cấp và thoát nước... cho vùng NTTS. Ngành Nông nghiệp đã khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi đa tầng, đa loài; mô hình nuôi theo hệ thống bể; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm nước lợ nhiều giai đoạn; thu nhỏ diện tích ao nuôi để dễ dàng tác động kỹ thuật, đồng thời tăng cường quá trình quản lý, diễn biến các yếu tố môi trường trong ao nuôi. Thích ứng với biến đổi khí hậu trong NTTS là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương cần có sự liên kết và phối hợp cùng triển khai thực hiện.

Thời gian tới, các ngành, các địa phương cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư kiên cố hạ tầng các vùng nuôi thủy sản, đảm bảo đáp ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các đối tượng nuôi thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của các vùng nuôi; xây dựng, đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tỉnh, các huyện cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng đầu mối, phục vụ các vùng NTTS tập trung trên địa bàn tỉnh. Sở NN và PTNT yêu cầu Chi cục Thủy sản chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông, ngư dân bảo vệ môi trường, góp phần làm giảm quá trình gia tăng biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quan trắc môi trường vùng nuôi, làm tốt công tác dự tính, dự báo; hướng dẫn người nuôi chủ động phòng tránh dịch bệnh, áp dụng các biện pháp khắc phục, thích ứng biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại, tăng năng suất, chất lượng con nuôi, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com