Chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Sở TT và TT tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế “Tam nông” theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. |
Chủ động, linh hoạt với “3 trụ cột”
Theo đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở TT và TT: Trong CĐS, nhất là “tam nông số”, nhận thức và kỹ năng được hội tụ trong yếu tố con người mà không phải là công nghệ (con người là yếu tố quyết định). Do đó, phát triển “nguồn nhân lực” là “then chốt” để CĐS hiệu quả và bền vững, thực hiện thành công các mục tiêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 122/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Hiện nay, Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở cấp xã là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp, từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố. Thời gian qua, Sở TT và TT phối hợp với các đơn vị: Sở NN và PTNT, Hội Nông dân, UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về CĐS cho người dân nông thôn như: tập huấn trực tuyến đến 226 xã, phường, thị trấn về kỹ năng số cộng đồng cho Tổ công nghệ số cộng đồng cung cấp thông tin tổng quan về Tổ công nghệ số cộng đồng, hình thức và các nội dung triển khai theo Công văn số 4510/BTTTT-CĐSQG của Bộ TT và TT; hướng dẫn sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính; sử dụng các trình duyệt CốcCốc, Viettel Money, VNPT Money; cách tham gia các sàn thương mại điện tử từ Voso, Postmart… Hướng dẫn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các thao tác cụ thể như: quét mã QR Tổ công nghệ số cộng đồng để nhận tài liệu; tham gia kênh Zalo OA “CĐS quốc gia” để kịp thời nắm bắt, cập nhật chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, làm nền tảng kiến thức phục vụ việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Phối hợp tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về CĐS trong ngành Nông nghiệp; trọng tâm giới thiệu các giải pháp thúc đẩy CĐS ngành NN và PTNT tỉnh; giới thiệu các sản phẩm ứng dụng CNTT phục vụ cho việc CĐS ngành NN và PTNT như: Hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm và nền tảng truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; Cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy CĐS cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, người dân và các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn cho 300 hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm quy mô hàng hóa tại 31 xã, thị trấn của huyện Ý Yên và 18 xã, thị trấn của huyện Vụ Bản kiến thức, kỹ năng để tham gia sàn thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Tại hội nghị, đại biểu tham gia được truyền đạt những kỹ năng, kiến thức về CĐS trong nông nghiệp, cách thức cụ thể để tham gia mua - bán trên các sàn thương mại điện tử (như: hướng dẫn lập tài khoản gian hàng, mở tài khoản thanh toán, các cách đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và quy trình vận chuyển, thanh toán). Ngoài ra các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng Mobile Money trong thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch thông thường hàng ngày như đi chợ, thanh toán tiền điện, tiền nước…
Những giải pháp căn cơ
Với quyết tâm chính trị cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh, tỉnh phấn đấu đến năm 2025: Chương trình MTQG xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
Để thực hiện hiệu lực, hiệu quả các chỉ tiêu trên, tỉnh tập trung chỉ đạo: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về CĐS để đề xuất áp dụng trong xây dựng NTM thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,…) đầu tư vào khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; xã hội hóa phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/xóm (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,…), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. Xây dựng phương án tổng thể hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, giám sát Chương trình MTQG xây dựng NTM; Bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM; Bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh. Xây dựng hệ thống kiến trúc, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về NTM trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông; Phần mềm ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân. Hệ thống quản lý, chia sẻ và khai thác về công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Triển khai thí điểm mô hình CĐS trong xây dựng NTM: Xây dựng thí điểm các mô hình xã/thôn NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…). Mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân). Huy động nguồn lực, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, CNTT đầu tư cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/xóm; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ. Huy động các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân để thực hiện CĐS. Đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực CĐS, xây dựng xã NTM thông minh./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin