Chú trọng điều hành giá những tháng cuối năm

08:42, 01/11/2022

Trong 10 tháng năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát. Giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và việc thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2022 tăng 1,81% so với tháng trước và tăng 6,74% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 3,40%, chỉ số giá vàng tăng 17,94%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân đắn đo giá cả thực phẩm tiêu dùng khi mua sắm.
Người dân đắn đo giá cả thực phẩm tiêu dùng khi mua sắm.

Những tháng cuối năm 2022 dự báo sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá tại thị trường của tỉnh. Trong bối cảnh các căng thẳng chính trị trên thế giới chưa có dấu hiệu được cải thiện, dự báo giá xăng dầu vẫn biến động phức tạp. Nhu cầu hàng hóa thế giới cũng sẽ có nhiều biến động khi Trung Quốc chấm dứt chính sách "Zero-COVID" và mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ, tết cuối năm, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng giá; nếu nguồn cung không được đảm bảo giá thịt lợn có thể biến động tăng; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nếu phát sinh các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh có thể sẽ gia tăng mức ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực và thực phẩm; đồng đô la Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó gây sức ép lên mặt bằng giá. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là giải ngân các công trình kinh tế trọng điểm, có thể làm tăng nhu cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời. 

Từ những nhận định đó, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng chủ động bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; căn cứ dư địa lạm phát của địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả, linh hoạt công tác quản lý, điều hành giá dịp cuối năm. Trong đó, yêu cầu các ngành, các địa phương chú trọng bám sát tình hình thị trường xăng dầu để triển khai công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ổn định, hiệu quả; tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Theo Sở NN và PTNT, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô song song với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Trong đó, đã tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hiện tại người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, dần phục hồi đàn lợn, chăn nuôi gia cầm phát triển; sản lượng thủy sản tăng khá; các địa phương tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa vụ mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” và chuẩn bị các điều kiện triển khai sản xuất vụ đông đảm bảo đúng thời vụ, đạt kết quả cao. Trước việc giá dầu tăng ảnh hưởng tới khai thác thủy sản, Sở hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá; khuyến cáo ngư dân có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp chuyển đổi nghề khai thác; hoặc tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi. Đồng thời hướng dẫn người nuôi quản lý tốt các vùng nuôi thủy sản, theo dõi chặt chẽ tình hình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh. Điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp tết những năm gần đây là các ngành chức năng và các địa phương đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, cung ứng đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh với đa dạng các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp tết như: gạo, bún miến, bánh đa, bánh kẹo, rau, củ, quả; giò, chả, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, thịt lợn; đặc biệt các loại thịt cũng đã cung ứng đa dạng gồm thịt mát, thịt đông lạnh, thịt lợn sơ chế, thịt lợn ăn liền. Vì vậy, về cơ bản tỉnh luôn chủ động đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm cũng như các kỳ lễ, tết sắp tới.

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng đã phối hợp với các Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành lập Đoàn khảo sát giá vật liệu xây dựng tại các cơ sở kinh doanh vật liệu trên địa bàn 10 huyện, thành phố nhằm nắm bắt thực tế thị trường, định giá, từ đó kịp thời điều chỉnh đơn giá, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo Nghị định 10/2021//NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng, giao thông. Sở cũng chủ trì, phối hợp với sở, ngành, các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị thi công trong thực hiện các quy trình điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án áp dụng phương thức hợp đồng có điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương đã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong tỉnh, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Sở tổ chức làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đạt chất lượng và giá cả hợp lý để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và các tình huống của dịch bệnh COVID-19. Sở tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng mạng lưới kinh doanh, tổ chức tốt hệ thống kênh bán lẻ, đảm bảo thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng; khuyến khích triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19, đưa hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả hợp lý phục vụ nhân dân tại địa bàn nông thôn và tại các khu, cụm công nghiệp gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Từ nay đến cuối năm, các ngành, các địa phương tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4% mà Chính phủ và Quốc hội giao, tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com