Đồng bào Công giáo Trực Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao

08:57, 23/11/2022

5 năm qua, đồng bào Công giáo huyện Trực Ninh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của huyện.

Mô hình trồng khoai tây của ông Trịnh Văn Diện, giáo xứ An Lãng xã Trực Chính tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương.
Mô hình trồng khoai tây của ông Trịnh Văn Diện, giáo xứ An Lãng xã Trực Chính tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương.

Theo đó, Ban đoàn kết Công giáo huyện và Tổ đoàn kết Công giáo các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của bà con giáo dân theo phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, hăng hái thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh. Xác định nâng cao thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, bà con giáo dân luôn chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; tích cực hưởng ứng phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều gia đình thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng các cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn, sản xuất các sản phẩm OCOP, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công ty TNHH Cường Tân do ông Đoàn Văn Sáu làm giám đốc ở giáo xứ Lác Môn đã tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất giống lúa lai, mỗi năm cung cấp cho thị trường cả nước hàng trăm tấn giống lúa các loại, tạo việc làm và thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình giáo dân ở các xã: Trực Hùng, Trực Thái, Trực Cường… Nhiều hộ gia đình giáo dân đầu tư chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao như giáo dân các giáo xứ: An Lãng xã Trực Chính; Trung Lao xã Trung Đông; Lác Môn, Tân Lý xã Trực Hùng; Quỹ Ngoại xã Trực Mỹ; Tây Đường thị trấn Ninh Cường; Tùng Nhì xã Trực Thắng… Trên địa bàn huyện đã xuất hiện các mô hình trang trại, gia trại do giáo dân làm chủ có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng trở lên như: ông Trịnh Văn Diện, giáo xứ An Lãng xã Trực Chính; các ông Lưu Văn Biển, Lưu Văn Tú giáo họ Tân Lạc xã Trực Hùng; ông Phạm Văn Hộ, ông Đào Xuân Lạc giáo xứ Lác Môn xã Trực Hùng; ông Vũ Văn Thành, ông Lê Văn Nam giáo xứ Quỹ Ngoại xã Trực Mỹ; ông Nguyễn Thanh Phi giáo họ Bắc Đường; ông Vũ Hoàng Hà giáo họ Thanh Minh thị trấn Ninh Cường; ông Lương Xuân Bắc giáo họ Cự Phú xã Trực Hưng; ông Ninh Văn Hoán, ông Trần Thanh Miên, ông Nguyễn Văn Sơn, Trần Công Đường giáo xứ Phú An thị trấn Cát Thành. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các hộ gia đình giáo dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và từng bước mở rộng như Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Minh Tiến do ông Lại Quang Minh ở giáo xứ Quỹ Ngoại, xã Trực Mỹ làm giám đốc; Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Triển 9 do ông Nguyễn Thành Trung người con của giáo xứ Ninh Cường làm giám đốc. Các ngành nghề, làng nghề được duy trì, phát triển như sản xuất sợi PE, vật liệu xây dựng, đóng mới sửa chữa tàu thuyền tại xã Trực Hùng; nghề vận tải thuỷ của giáo dân giáo xứ Phú An có hàng chục doanh nghiệp, duy trì đội tàu vận tải sông, biển, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và con em người Công giáo với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng. Làng nghề mộc Trung Lao, xã Trung Đông hàng năm tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, thu hút hàng nghìn lao động tại địa phương và vùng lân cận, tạo việc làm, đạt doanh thu và lợi nhuận cao, nâng cao thu nhập cho bà con giáo dân và người lao động. Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình giáo dân được tặng danh hiệu hộ “sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”. Ngoài ra, người Công giáo toàn huyện còn đi hợp tác lao động tại nước ngoài tạo thu nhập ổn định, gửi nguồn kiều hối về cho gia đình ổn định đời sống, điển hình như xã Trực Hùng có trên 200 người đi lao động hợp tác tại nước ngoài. Theo số liệu thống kê từ các giáo xứ, giáo họ, đến nay, toàn huyện có gần 10 nghìn hộ gia đình giáo dân thuộc diện khá trở lên, trong đó có 4.944 hộ giàu; số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm đi rõ rệt.

Để tham gia xây dựng NTM nâng cao, đồng bào Công giáo trong huyện còn đẩy mạnh các phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo bình yên, xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động. Cùng với nhân dân trên toàn huyện, bà con giáo dân tích cực hiến đất làm đường, đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường giao thông thôn, xóm, nhà văn hóa, nơi thờ tự. Điển hình như xã Trực Hùng từ năm 2017-2022 đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh, trong đó nguồn từ giáo dân đóng góp và con em quê hương đi làm ăn xa ở trong và ngoài nước ủng hộ trên 10 tỷ đồng. Linh mục Đỗ Văn Thực, chánh xứ Đền thánh Ninh Cường chủ trì huy động nhân dân đóng góp trên 400 triệu đồng xây dựng 2 tuyến đường mẫu theo khẩu hiệu “đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, khu phố văn minh”. Bà con giáo dân 4 tổ dân phố ở thị trấn Cát Thành hiến đất, đóng góp làm 7km đường bê tông và hệ thống đèn điện chiếu sáng trị giá trên 5 tỷ đồng. Bà con giáo dân trong huyện còn góp hàng tỷ đồng cùng với nhân dân xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, người Công giáo huyện Trực Ninh đã tự nguyện ủng hộ nhiều tỷ đồng để thực thi bác ái; ủng hộ các Quỹ “Vì người nghèo”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học khuyến tài”, “Toàn xã hội chăm sóc người cao tuổi”, “Hội Chữ thập đỏ”... giúp đỡ ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, tết; ủng hộ đồng bào miền Trung - Tây Nguyên bị thiên tai lũ lụt; ủng hộ người dân bị COVID-19, hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, tạo việc làm giúp các hộ khó khăn ổn định cuộc sống… Nhiều giáo xứ thành lập Hội từ thiện để giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn tại địa phương và các tỉnh miền núi. Trong 5 năm qua, các xứ, họ trong huyện đã vận động được trên 2,198 tỷ đồng, tặng 3.991 suất quà cho gia đình nghèo, khó khăn, hoạn nạn rủi ro.

Với những hoạt động thiết thực tham gia xây dựng NTM nâng cao, đồng bào Công giáo huyện Trực Ninh đã góp phần vào thành tích chung của huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 21/21 xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và của người Công giáo trong huyện nói riêng ngày càng được nâng cao./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com