Hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

08:28, 17/02/2023

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Giao Thủy đã tích cực phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đem lại hiệu quả cao, góp phần đổi mới phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Giao Thủy cùng nông dân kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây trồng vụ đông tại xã Giao Phong.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Giao Thủy cùng nông dân kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây trồng vụ đông tại xã Giao Phong.

Năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trước tình hình trên, Trung tâm DVNN Giao Thủy đã phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền đến nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng nhận biết, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; phối hợp tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh đảm bảo an toàn, ngăn ngừa lây lan theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT); cấp gần 1.000 lít hoá chất tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng dẫn phun hoá chất theo đúng quy trình kỹ thuật tại 22 xã, thị trấn, đồng thời thực hiện công tác tiêm phòng cho vật nuôi nghiêm túc, đúng kế hoạch. Nhờ đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. 

Cùng với phòng, chống dịch bệnh động vật, công tác phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng cũng được Trung tâm DVNN huyện Giao Thủy tổ chức thực hiện hiệu quả. Trung tâm phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hướng dẫn các địa phương tuyên truyền đến các hộ nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ lúa; phát động, khuyến cáo phun phòng trừ sâu, bệnh: khô vằn, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu… hiệu quả; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) thu bắt, lấy mẫu rầy lưng trắng xét nghiệm vi-rút gây bệnh lùn sọc đen hại lúa để có các phương án xử lý kịp thời. Qua đó góp phần đưa năng suất lúa của huyện Giao Thủy đạt gần 130 tạ/ha/năm, đặc biệt năng suất lúa trong vụ xuân đạt 76,85 tạ/ha, đứng đầu toàn tỉnh.

Phát huy vai trò “cầu nối” chuyển giao tiến bộ KHKT, trong năm 2022, Trung tâm DVNN Giao Thủy đã tổ chức lồng ghép 6 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho 600 lượt nông dân; phối hợp với Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức 9 lớp tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng phân bón Lâm Thao cho gần 600 nông dân của 9 xã Giao An, Giao Hương, Giao Thanh, Giao Châu, Giao Tân, Giao Lạc, Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Hải; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN và PTNT) tổ chức cho cán bộ và các hộ nông dân trong huyện tham quan, học tập các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao để rút kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn phù hợp điều kiện địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho 80 hộ chăn nuôi; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức 2 lớp tập huấn cho 120 lượt nông dân các xã Giao Phong và Giao Hà về kỹ thuật sản xuất rau màu vụ đông… Qua các lớp tập huấn, tham quan các mô hình đã giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất; phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng; phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... 

Để bổ sung cơ cấu giống lúa của huyện, chọn lọc thay thế các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém, Trung tâm đã tổ chức trình diễn, khảo nghiệm một số giống lúa triển vọng như ST24, ST25 tại xã Giao Hà; phối hợp với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Giống cây trồng Việt Thành trình diễn giống lúa Việt Thành 213 tại xã Giao Hải; Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam trình diễn giống lúa VNR 20 tại xã Giao An; Công ty Giống cây trồng Thái Bình trồng trình diễn giống lúa TBR 279, TBR 39 tại các xã Giao An và Giao Lạc; Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Trung ương 1 trình diễn giống lúa Hương Thanh số 8 tại xã Giao Thịnh… Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm, trình diễn, Trung tâm đã tham mưu với UBND huyện đưa vào cơ cấu các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương như VNR 20, TBR 279… nhằm phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò của hoạt động khuyến nông, Trung tâm DVNN Giao Thủy đã xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, điển hình là mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh quy mô gia trại tại xã Giao Xuân. Mô hình được triển khai từ tháng 8-2022. Trong suốt quá trình triển khai mô hình, Trung tâm đã tư vấn về quy trình chăm sóc, các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ hóa chất sát trùng và các loại vắc-xin phòng dịch tả lợn, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, phó thương hàn…; hướng dẫn gia trại kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Trong quá trình từ khi nuôi đến xuất chuồng, đàn lợn sinh trưởng phát triển nhanh, tăng cân đều qua các tháng, đặc biệt không mắc bệnh truyền nhiễm giúp gia trại giảm được chi phí về thức ăn, vắc-xin, thuốc sát trùng, tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người chăn nuôi. Từ kết quả của mô hình, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh cho nông dân nhằm phát triển chăn nuôi bền vững. 

Đồng chí Tô Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm DVNN Giao Thủy tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu giúp chính quyền các cấp từ huyện đến xã trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; hướng dẫn cán bộ thú y, bảo vệ thực vật xã thực hiện chức năng quản lý công tác chăn nuôi - thú y, cây trồng - bảo vệ thực vật tại địa phương. Tiếp tục tăng cường tập huấn chuyên môn, kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi cho đội ngũ thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông cơ sở và nông dân trên địa bàn huyện”. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng các mô hình khuyến nông nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm,... Các hoạt động của Trung tâm DVNN Giao Thủy đã góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng thuận thiên, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng./.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com