Công nghệ dò nhịp tim của NASA giúp cứu hộ động đất

07:54, 21/02/2023

NASA đã chuyển thiết bị FINDER (Finding Individuals for Disaster and Emergency Response) đến Thổ Nhĩ Kỳ để giúp tìm kiếm người sống sót sau động đất. Thiết bị này sử dụng công nghệ radar vi sóng để phát hiện nhịp tim và hơi thở của con người bên dưới đống đổ nát, đất đá và địa hình khác.

Thiết bị này dùng cảm biến radar vi sóng để tìm người sống sót dưới đống đổ nát.
Thiết bị này dùng cảm biến radar vi sóng để tìm người sống sót dưới đống đổ nát.

Công nghệ do NASA phát triển có thể phát hiện chuyển động nhỏ nhất của cơ thể gây ra bởi những quá trình cơ bản thiết yếu cho sự sống và sẽ được những đội cứu trợ sử dụng ở vùng động đất của Thổ Nhĩ Kỳ, Space hôm 16/2 đưa tin. Thiết bị mang tên FINDER (Finding Individuals for Disaster Emergency Response) dùng cảm biến radar vi sóng để tìm người sống sót dưới đống đổ nát hoặc lở đất thông qua dò nhịp tim và hơi thở của họ.

NASA cho biết công nghệ đã được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, gần một tuần sau khi chuỗi động đất phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở các thành phố và thị trấn quanh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Theo Reuters, hơn 41.000 người được xác nhận tử vong từ ngày 6/2, ngày hai trận động đất mạnh 7,8 và 7,6 độ xảy ra. Nhân viên cứu hộ tại chỗ có thể hoài nghi khả năng tìm thấy người sống sót 10 ngày sau thảm họa. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn phát hiện một số người còn sống. Ví dụ, hôm 14/2, Reuters đưa tin 9 người sống sót được kéo ra từ đống đổ nát ở các thành phố.

Công nghệ FINDER được phát triển bởi nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở California sau trận động đất năm 2010 ở Haiti, sau đó công nghệ này được thương mại hóa bởi công ty SpecOps Group ở Florida. FINDER chỉ là một ví dụ cho nỗ lực hỗ trợ của NASA dành cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, một số vệ tinh NASA thu thập hình ảnh của khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, giúp đánh giá mức độ thiệt hại và dẫn đường cho nhân viên cứu hộ.

Nằm trong số công cụ hỗ trợ từ không gian là thiết bị EMIT (Earth Surface Mineral Dust Source Investigation) được chuyển lên Trạm Vũ trụ Quốc tế hồi tháng 7 năm ngoái, sau đó lắp đặt trên cánh tay robot ở cấu trúc bên ngoài trạm. Các nhà khoa học hy vọng dù được thiết kế để phân tích thành phần bụi trong khí quyển Trái đất, EMIT có thể phát hiện rò rỉ khí nguy hiểm từ đường ống bị phá hủy bởi động đất.

Dữ liệu từ những thiết bị quan sát Trái đất khác sẽ giúp cải tiến mô hình tương tác của mảng kiến tạo giao nhau ở khu vực bị ảnh hưởng nằm dọc biên giới giữa miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía tây Syria. Áp lực giữa các mảng kiến tạo Anatolia, Arab và châu Phi biến khu vực này thành điểm nóng động đất. Tuy nhiên, giới chuyên gia mô tả loạt động đất hôm 6/2 là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Mô hình vi tính dựa trên kết quả đo vệ tinh có thể giúp các nhà nghiên cứu đánh giá khả năng xảy ra dư chấn quanh những vết đứt gãy lớn.

Theo khoahoc.tv



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com