Thanh toán số “phủ sóng” khu vực nông thôn

07:53, 04/01/2023

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở khu vực nông thôn.

Cụ thể, NHNN đã ban hành các thông tư hướng dẫn mở tài khoản định danh khách hàng điện tử theo phương thức e-KYC, giúp khách hàng không cần trực tiếp đến ngân hàng để mở tài khoản thanh toán. Từ năm 2015, NHNN đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển TTKDTM tại khu vực nông thôn bằng hình thức hợp tác giữa ngân hàng thương mại (NHTM) với một số tổ chức khác. Có thể kể đến là hình thức kết hợp giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Viettel, giữa Vietcombank với ví điện tử MoMo… Các hình thức phối hợp này đã phát huy hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn. Để đưa dịch vụ TTKDTM tiếp cận phổ biến với người dân, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực triển khai các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ người dân thanh toán bằng mã QR (một dạng mã vạch 2D hai chiều được đọc bởi điện thoại thông minh hoặc máy đọc mã vạch có chức năng chụp ảnh để quét mã). Đáng chú ý, dịch vụ TTKDTM bằng mã QR ngày càng phổ biến hơn ở mọi lĩnh vực kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ các nhu cầu thường nhật trong đời sống người dân như: thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, thanh toán mua hàng trên các sàn điện tử, thanh toán tại các chợ, siêu thị. Hiện tại, hình thức thanh toán bằng mã QR đã trở thành một lực đẩy quan trọng trong việc phát triển TTKDTM ở khu vực thành phố và Tết là dịp để lan tỏa hình thức thanh toán mới này trở nên phổ biến hơn ở các khu vực nông thôn.

Cán bộ Agribank Chi nhánh Vụ Bản trao thiết bị phục vụ thanh toán bằng mã VietQR cho tiểu thương ở chợ thị trấn Gôi (Vụ Bản).
Cán bộ Agribank Chi nhánh Vụ Bản trao thiết bị phục vụ thanh toán bằng mã VietQR cho tiểu thương ở chợ thị trấn Gôi (Vụ Bản).

Từ năm 2021, MB Chi nhánh Nam Định là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ quét mã QR thanh toán trong giao dịch ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Để thu hút người dân sử dụng và từng bước thay đổi thói quen thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, MB Chi nhánh Nam Định áp dụng chương trình mở tài khoản MBBank miễn tất cả các loại phí trọn đời; hỗ trợ các cửa hàng, điểm giao dịch toàn bộ vật dụng phục vụ quét mã QR. Hiện tại, Chi nhánh đã phát triển được hơn 2.000 điểm giao dịch thanh toán bằng mã QR tại các cửa hàng tư nhân, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh như chợ Rồng, chợ Mỹ Tho (thành phố Nam Định), chợ thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), chợ Cầu Đôi (Hải Hậu), chợ thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). Triển khai áp dụng chương trình khuyến mãi TTKDTM bằng mã VietQR từ tháng 7-2022, đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Vụ Bản đã thiết lập được hơn 250 điểm thanh toán bằng mã QR tại các cửa hàng, chợ, siêu thị, bộ phận hành chính “một cửa” của 100% xã, thị trấn, UBND huyện Vụ Bản. Hiện đã có hàng trăm cơ sở, hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Lời (xã Hiển Khánh) và cửa hàng tư nhân trên địa bàn các xã, thị trấn: Liên Minh, Gôi, Kim Thái, Đại An, Trung Thành, Quang Trung… sử dụng dịch vụ TTKDTM bằng mã QR để chi trả, thanh toán của khách hàng. Toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR thông qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại thông minh vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Anh Cường, chủ cửa hàng điện thoại Phúc Cường tại thị trấn Gôi cho biết: “Sử dụng dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR thông qua ứng dụng Agribank E-Mobile Banking giúp cửa hàng kiểm soát số lượng tiền giao dịch kinh doanh trong ngày, không phải lo nhầm lẫn sổ sách. Hơn thế, giao dịch lại nhanh chóng, an toàn, thuận tiện hơn so với giao dịch thông thường, chỉ cần quét mã mọi thông tin như số tài khoản, tên chủ tài khoản đều được tự động điền chính xác, khách hàng chỉ cần nhập số tiền giao dịch và thực hiện chuyển khoản là thành công, không lo chuyển khoản nhầm tài khoản hay sai ngân hàng”.

Cùng với đó, Mobile Money hay còn gọi là tiền số di động đã trở thành đòn bẩy quan trọng trong việc phát triển TTKDTM ở các khu vực nông thôn tỉnh ta qua mô hình “Chợ công nghệ 4.0” của Viettel Nam Định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 800 tiểu thương tại 10 chợ mở tài khoản và điểm TTKDTM. Bình quân mỗi tháng, dịch vụ Viettel Money hoạt động thông suốt với hơn 8.000 giao dịch, giá trị giao dịch hơn 18 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ người dân vùng nông thôn từng bước đã làm quen và sử dụng thành thạo hình thức TTKDTM trong chi tiêu, mua sắm sinh hoạt hàng ngày. Đại diện Viettel Nam Định cho biết: “Đi chợ là thói quen của người dân tương tự như gọi điện thoại giao tiếp hàng ngày, vì vậy từ mô hình này sẽ tạo thành thói quen cho người dân khi sử dụng TTKDTM”. Để tiếp tục phát triển dịch vụ Viettel Money, Viettel Nam Định sẽ hỗ trợ các tiểu thương tại chợ truyền thống tại các huyện, thành phố kích hoạt lấy mã QR cho gian hàng của mình; hướng dẫn tạo tài khoản Viettel Money để giao dịch miễn phí và trang bị các công cụ hữu ích cho các tiểu thương và người tiêu dùng dễ dàng thực hiện giao dịch. Đồng thời, bố trí nhân viên tư vấn dịch vụ Viettel Money và hướng dẫn quét mã QR cho khách hàng tại các chợ.

Phát triển TTKDTM khu vực nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc và chưa đạt được kỳ vọng đã đề ra. Cụ thể, người dân ở các vùng nông thôn vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, tính an toàn, an ninh tài khoản khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị, độ “phủ sóng” ở khu vực nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số sản phẩm dịch vụ TTKDTM chưa được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ. Mặt khác, tình trạng tội phạm công nghệ cao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Thời gian tới, để TTKDTM bằng mã QR trở nên phổ biến, trở thành phương thức thanh toán chủ đạo trong cuộc sống, góp phần xây dựng công dân số, kinh tế số, ngành Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển các dịch vụ thanh toán phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn. Tăng cường đầu tư hạ tầng hoạt động thanh toán qua ngân hàng trên địa bàn nông thôn đảm bảo thông suốt, chính xác và an toàn. Nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, thẻ ngân hàng và các dịch vụ thanh toán khác trên nền tảng số. Các tổ chức tín dụng tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại, đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com