“Trái ngọt” chuyển đổi số

23:24, 29/12/2022

Năm 2022, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đều đạt và vượt so với yêu cầu của Trung ương và địa phương. Chỉ số xếp hạng CĐS của tỉnh 2 năm liên tiếp (2020, 2021) được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đánh giá thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ số thành phần năm 2021 tăng vượt bậc so với năm trước; trong đó chính quyền số xếp thứ 5, xã hội số xếp thứ 4 và kinh tế số xếp thứ 8. Kết quả này cho thấy, dù mới ở bước đầu của quá trình CĐS, thời gian triển khai chưa dài nhưng tỉnh ta đã đi đúng hướng, lựa chọn đúng điểm đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững.

Ký kết hợp tác chuyển đổi số trong trường học giữa Viễn thông Nam Định và Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).
Ký kết hợp tác chuyển đổi số trong trường học giữa Viễn thông Nam Định và Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định).

Đột phá thể chế số

Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT và TT cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS và xác định thể chế số có vai trò dẫn dắt công cuộc CĐS nên UBND tỉnh đã thể hiện sự quyết liệt qua việc ban hành cơ bản đầy đủ văn bản chỉ đạo, dẫn dắt CĐS (10/11 chỉ tiêu) tập trung yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình CĐS; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu CĐS cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó có nhiều giải pháp chỉ đạo mang tính tạo nền móng thúc đẩy CĐS như: Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22-10-2021 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về “CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 8-5-2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh... Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CĐS và thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CĐS cũng như hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác theo đúng quy định để thực hiện thành công các nhiệm vụ CĐS theo định hướng của tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh đã hoàn thiện việc ký kết hợp tác thúc đẩy CĐS với các tập đoàn viễn thông lớn như VNPT, Viettel, FPT; đây là cơ hội khai thác nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện lộ trình CĐS trên các lĩnh vực cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật số. Nhờ đó, quá trình CĐS của tỉnh được diễn ra đồng bộ ở cả 3 trụ cột chính là chính quyền số - kinh tế số - xã hội số thay vì chỉ tập trung vào xây dựng chính quyền số như trước đây. Đến nay, kiến trúc của nền tảng chính quyền điện tử bước đầu được hình thành. Cơ sở hạ tầng CNTT được tăng cường đầu tư, hoạt động ổn định, hiệu quả. Các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Những kết quả đạt được đều được bắt nguồn từ việc làm tốt nhiệm vụ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về CĐS, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, từ đó giúp tỉnh từng bước CĐS một cách hiệu quả và chắc chắn. 

Đẩy mạnh chuyển đổi nhận thức chuyển đổi số

Cùng với hoàn thiện thể chế, tạo nền móng thúc đẩy CĐS, các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung chuyển đổi nhận thức số cho người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để thống nhất từ tư duy đến hành động; tổ chức, triển khai CĐS một cách bài bản, vững chắc. UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ TT và TT tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức CĐS cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh và tổ chức 10 hội nghị chuyên đề về CĐS, gồm: phát triển đô thị thông minh; phát triển thương mại điện tử; CĐS cho các doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường. 

Đặc biệt với quan điểm, trong CĐS, nhận thức và kỹ năng được hội tụ trong yếu tố con người chứ không phụ thuộc vào công nghệ, Sở TT và TT đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời cử cán bộ công nghệ về 226 xã, phường, thị trấn để “cầm tay chỉ việc”, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức địa phương giúp họ chủ động tham gia vào quá trình CĐS và lan toả đến đông đảo người dân, như: Kỹ năng sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, bao gồm việc đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính, tra cứu nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số Việt Nam để thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thông tin kinh doanh và giao dịch qua sàn thương mại điện tử… thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển. 
Cùng với việc nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, tỉnh đã thành lập 2.160 tổ công nghệ số cộng đồng với lực lượng nòng cốt là thanh niên thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đồng thời hỗ trợ hơn 8.000 thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng tham gia kênh Zalo OA “CĐS quốc gia” nắm bắt kịp thời chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia phục vụ lan toả sâu rộng thông tin đến cộng đồng dân cư. Khối các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, dịch vụ logistics tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS và “chạy đua” đưa ứng dụng dịch vụ số, thanh toán số, thương mại điện tử đến với các tiểu thương, cộng đồng dân cư. 

Với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả 3 trụ cột CĐS của tỉnh là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đều nằm trong top 10 toàn quốc. Trong đó nhiều chỉ tiêu cao hơn từ 10-20% so với yêu cầu của Chính phủ như: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ hồ sơ xử lý trên môi trường mạng ở cả 3 cấp; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính… Đây là cơ sở để tỉnh đặt mục tiêu chương trình CĐS tiếp tục tăng tốc, bứt phá trong năm 2023, phấn đấu luôn đứng trong top 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành CĐS và triển khai đô thị thông minh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com