Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hoạt động đo lường cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 16-7-2019 triển khai thực hiện “Đề án 966 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển cơ sở vật chất đo lường cho các doanh nghiệp trong tỉnh, tiếp cận với công nghệ đo lường hiện đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Kiểm định đồng hồ áp suất tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ. |
Là cơ quan đầu mối trong quá trình triển khai Đề án, Sở KH và CN xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm; phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu và điều kiện phát triển hoạt động đo lường để tổng hợp, phê duyệt các nhiệm vụ thuộc kế hoạch trong phạm vi quản lý Nhà nước theo thẩm quyền và quy định của pháp luật liên quan. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp tham gia phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, thành viên tham gia thực hiện đổi mới hoạt động đo lường. Sở KH và CN đã tiến hành phổ biến các quyết định của Bộ KH và CN là Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Sở KH và CN Nam Định.
Trong năm 2022, Sở KH và CN đăng ký với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tham gia triển khai một số nội dung thuộc chương trình đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Góp ý dự thảo quyết định hướng dẫn hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp. Tổ chức làm việc với đoàn chuyên gia của Tổng cục bàn phương án triển khai và kế hoạch khảo sát, vận động doanh nghiệp tham gia Đề án 996 tại tỉnh. Sở KH và CN đã chỉ đạo Chi cục TCĐLCL khảo sát 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên theo Quyết định 3807/QĐ-BKHCN về các nội dung: các hoạt động đo, thử nghiệm, kiểm tra được thực hiện tại các quá trình sản xuất, kinh doanh; đánh giá vai trò về hoạt động đo lường tại doanh nghiệp, tổ chức; nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức về hỗ trợ đo lường, đổi mới hoạt động đo lường. Từ đó tổng hợp thông tin về nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp trên địa bàn và lập kế hoạch hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Thời gian qua, Chi cục TCĐLCL đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn “Đảm bảo đo lường theo Đề án 996” cho Công ty Điện lực Nam Định và các Điện lực trực thuộc; các đơn vị là thương nhân phân phối đầu mối xăng dầu trên địa bàn tỉnh; “Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra đo lường tại cơ sở” cho cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng thuộc UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương nhằm tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; thu thập nhu cầu, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về mong muốn cải tiến đo lường tại cơ sở. Đồng thời phổ biến, nâng cao nhận thức nghiệp vụ kiểm tra Nhà nước về đo lường, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị quản lý Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý Nhà nước về đo lường.
Hiện nay, các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống như: điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi… Hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên. Đồng thời, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trực tiếp bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong quan trắc môi trường giúp các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác đã trực tiếp giúp bác sĩ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân… Hệ thống chuẩn đo lường trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã và đang dần thay đổi để đáp ứng xu hướng phát triển phương tiện đo thông minh.
Thời gian tới, Sở KH và CN tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao...; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường. Áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường vì sự minh bạch, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp. Việc đổi mới đo lường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của biện pháp quản lý mới trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin