Ghi nhận từ Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX

09:04, 17/11/2022

Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên với mục tiêu khơi dậy tiềm năng và tư duy sáng tạo, giúp học sinh có ý thức trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự học, tinh thần sáng tạo, có ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà sáng chế trong tương lai. Năm 2022 là năm thứ 9 cuộc thi được tổ chức.

Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật “Nghiên cứu, chế tạo máy trợ thở giá rẻ” của học sinh Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên) đạt giải Ba.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật “Nghiên cứu, chế tạo máy trợ thở giá rẻ” của học sinh Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên) đạt giải Ba.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Được phát động từ tháng 3-2022, công tác tổ chức cũng như thể lệ Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX đã được tuyên truyền đến các trường học trong toàn tỉnh. Đối tượng dự thi là tất cả thanh, thiếu niên và nhi đồng trong toàn tỉnh từ 6 đến 19 tuổi, khuyến khích các em nhỏ tuổi, các em ở vùng xa trung tâm thành phố tham gia. Do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong năm 2021 và hết quý I-2022 nên các trường học thường xuyên phải dạy và học trực tuyến đã ảnh hưởng khá nhiều đến số lượng và chất lượng giải pháp, sản phẩm tham gia cuộc thi. Mặc dù vậy, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh. Đến ngày 15-7-2022, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận tổng cộng 42 sản phẩm, giải pháp dự thi đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh ở 5 lĩnh vực gồm: đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em và các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế.

Tiêu chí chấm thi cơ bản vẫn căn cứ vào tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và chất lượng của mô hình, giải pháp với thang điểm tối đa 100 điểm. Kết quả, đã có 31 mô hình được trao giải, gồm: không có giải Nhất, 3 giải Nhì, 10 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. Trong đó, nhiều giải pháp nảy sinh từ thực trạng đại dịch COVID-19, học sinh đã có ý tưởng sáng tạo những sản phẩm hữu ích giúp con người thích ứng và vượt qua dịch bệnh. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm, thể hiện ý thức trách nhiệm của các em trước những vấn đề xã hội mà con người đang phải đối mặt. Các giải pháp xuất sắc lấy ý tưởng từ dịch COVID-19 có thể kể đến là giải pháp “Chế tạo máy sức khỏe trường học và công sở” của nhóm tác giả Phạm Thùy Dương, Hoàng Vũ Minh, lớp 11A7, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) đạt giải Nhì lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em. Qua tìm hiểu, nhóm tác giả thấy rằng trong thời gian cao điểm dịch, trên thị trường xuất hiện nhiều thiết bị chăm sóc, theo dõi sức khỏe con người như: thiết bị đo thân nhiệt, máy sát khuẩn tự động, máy đo nồng độ oxy trong máu, máy đo cân nặng, chiều cao…; đa số các máy này đều chỉ được thiết kế riêng rẽ từng chức năng. Từ đó, các em đã nghiên cứu, chế tạo “máy sức khỏe trường học” kết hợp đầy đủ các chức năng trên, thuận tiện cho người dùng, đặc biệt là sử dụng cho môi trường công sở, trường học đông người, đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với các sản phẩm khác trên thị trường. Nhóm tác giả Trần Nguyễn Quang Lâm và Ngô Thị Phương Anh, Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên) đã đề xuất ý tưởng “Nghiên cứu, chế tạo máy trợ thở giá rẻ” có thể cung cấp đủ cho người bệnh COVID-19. Ưu điểm của giải pháp này là các em đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị cảm biến nhịp thở. Với đề tài này, các em kết hợp kiến thức các môn khoa học, sử dụng cơ cấu kiểu pittong, Arduino kết hợp cảm biến (cảm biến nhịp thở) để điều khiển (hộp xếp) tự động có độ chính xác cao hơn, khắc phục được nhược điểm của các máy trợ thở tự chế trên thị trường hiện nay đa phần sử dụng cơ cấu cơ khí điều khiển bằng tay, độ chính xác không cao. Hay một sản phẩm khác ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) theo xu hướng hiện nay của các em Trần Đức Huy, Cao Đặng Gia Hưng, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định). Đó là giải pháp “Nghiên cứu, chế tạo robot trường học thông minh” có sự kết hợp của cơ khí, điện tử, phần mềm tin học đảm bảo robot có thể di chuyển, cảm biến, chuyển động tay và có khả năng tương tác với những giao tiếp đơn giản. Robot được chế tạo thành công đáp ứng mong muốn ứng dụng tại các nhà trường, mà trước hết là tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, để hỗ trợ cho việc học tập giảng dạy, quản lý học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, có thể kể đến một số giải pháp đạt giải cao như: “Nghiên cứu hoạt tính sinh học của dịch chiết xuất cây xuyến chi (Bidens pilosa) và ứng dụng trong xử lý một số bệnh nấm, côn trùng trên cây trồng” của nhóm tác giả Trần Thị Anh Thư, Nguyễn Minh Anh, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) đạt giải Nhì lĩnh vực các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Sản phẩm “Máy rửa cốc liên hoàn” của em Phạm Ngọc Hội, học sinh lớp 9A Trường THCS Việt Hùng (Trực Ninh) đã đạt giải Ba lĩnh vực các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; sản phẩm “Bục hành chính đa năng thông minh” của nhóm tác giả Phạm Hoàng Đức, Mai Phương Thuỳ, Trường THCS Trần Bích San và Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định) đạt giải Ba lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập…

Hiện nay, các trường đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với định hướng chú trọng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp nhằm “tích cực hóa” hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực được kỳ vọng đóng góp tích cực cho đời sống xã hội, cộng đồng. Giáo dục không phải chỉ để truyền thụ kiến thức máy móc một chiều mà nhằm trang bị các công cụ, phương pháp, kỹ năng giúp học sinh có thể hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Sự quan tâm tạo điều kiện của Ban giám hiệu, các bậc phụ huynh các trường cả về vật chất và tinh thần để các em tham dự cuộc thi, không chỉ nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, mà còn giúp các em có thêm động lực, nuôi dưỡng say mê nghiên cứu và sáng tạo thành công. Tham dự cuộc thi chính là cơ hội để các em được trải nghiệm quá trình nghiên cứu và tạo ra sản phẩm khoa học, từ đó có thể định hướng chọn ngành học ở đại học. 

Tuy nhiên, theo Ban tổ chức cuộc thi, vẫn còn nhiều mô hình, sản phẩm tham gia dự thi theo phong trào, mang tính hình thức, chưa có sự đầu tư nghiêm túc; sao chép ý tưởng, không có tính mới, tính sáng tạo, chất lượng sản phẩm dự thi chưa cao. Đa phần các giải pháp tập trung tại các trường thuộc thành phố Nam Định, ở một số địa phương chưa triển khai sâu rộng và thường xuyên… Cuộc thi vẫn chưa khai thác được hết nguồn tài năng, nhân lực là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

Kết quả Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ IX-2022 tiếp tục minh chứng “tuổi nhỏ song sức sáng tạo và niềm đam mê khoa học không nhỏ”, đây là những kỷ niệm đẹp không thể quên của các em trong đời học sinh. Thành công bước đầu từ cuộc thi sẽ là một điểm tựa khích lệ các em có thêm nhiều nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong tương lai./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com