Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất cây vụ đông

08:54, 25/11/2022

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng từ 11 nghìn ha trở lên với các cây trồng chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang… và rau màu các loại. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), đặc biệt là thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nông dân, HTX với các doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và gia tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Mô hình trồng su hào an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Dương (Ý Yên).
Mô hình trồng su hào an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Dương (Ý Yên).

UBND tỉnh đã ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT vào nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất rau công nghệ cao, các mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo công nghệ Nhật Bản và tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân thông qua các mô hình thí điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của nông dân theo nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản sạch, an toàn. Chương trình phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được chú trọng. Tranh thủ nguồn kinh phí khuyến nông, trong vụ đông năm nay, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT) đã thực hiện các mô hình: sản xuất rau bắp cải an toàn theo công nghệ Nhật Bản, quy mô 2ha tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường) và trồng su hào an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Dương (Ý Yên) quy mô 5ha gắn xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Khác với các mô hình sản xuất VietGAP khác, quy trình căn bản của sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản là cày sâu để mở rộng vùng phát triển của bộ rễ; lên luống cao 20-30 cm, rãnh rộng 40-50cm với mục đích thoát nước tốt; bón lót cải tạo các loại phân hữu cơ hoai mục, vôi bột, lân trước khi băm nhỏ đất và chuẩn bị lên luống trước trồng khoảng 7-20 ngày; bón lót 100% lượng phân vô cơ trước khi trồng 3-7 ngày… Mô hình không sử dụng nguồn nước ô nhiễm, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, phân tươi, không bón đạm đơn, chỉ bón phân tổng hợp NPK... Hiện tại, toàn bộ diện tích trồng bắp cải ở Xuân Hồng và trà sớm trồng su hào tại xã Yên Dương đã cho thu hoạch, giá bán cao hơn 2-3 lần so với chính vụ. Cũng trong vụ đông, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phấn đấu có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông và có mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao nhận thức người trồng rau, giúp họ hiểu được trong sản xuất rau chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định để sản xuất, kinh doanh bền vững. Đồng thời xây dựng thương hiệu cho vùng trồng rau, thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ là xu thế tất yếu mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng được những sản phẩm an toàn.

Thông qua các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cơ giới hóa của tỉnh, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nông dân đã đầu tư máy móc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động… Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trong sản xuất vụ đông của tỉnh cơ bản đạt 100% diện tích. Từ mô hình thí điểm cơ giới hóa khâu gieo hạt trên cây lạc và ngô tại các xã Yên Cường (Ý Yên), Nam Hoa (Nam Trực)… đã nhân rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Tại vùng trồng khoai tây ở xã Giao Phong (Giao Thủy) đã áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc. Đáng chú ý là các hộ nông dân nơi đây đã đưa máy thu hoạch khoai tây vào sản xuất, không những góp phần giải phóng sức lao động của nông dân mà còn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, giúp người nông dân quay vòng cây trồng, tăng vụ sản xuất. Không còn tình trạng sản xuất vụ đông theo phong trào, nông dân cũng “chuyên nghiệp hơn” khi trang bị các loại máy bơm công suất nhỏ để chủ động tưới, tiêu, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh trưởng, phát triển và phòng chống úng cho cây trồng. Một số doanh nghiệp, nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến như: tưới phun mưa, tưới phun sương, tưới phun rãnh, tưới nhỏ giọt được vận hành theo phương pháp tưới tự động, bán tự động, điều khiển từ xa… giúp kiểm soát lượng phân bón, nước tưới thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Công nghệ nhà màng, nhà kính, nhà lưới khép kín để trồng rau công nghệ cao cũng được áp dụng ngày càng nhiều hơn để ngăn chặn sự gây hại của côn trùng, tránh được các điều kiện bất lợi của thời tiết tới cây trồng, đặc biệt là có thể kiểm soát được yếu tố về khí hậu có thể giúp không chỉ sản xuất rau trong vụ đông mà còn trồng trái vụ để gia tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất, đem lại những sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình là mô hình trồng dưa, rau các loại công nghệ cao trong nhà lưới theo quy trình VietGAP của Công ty cổ phần Sản xuất và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông tại xã Đại Thắng (Vụ Bản) quy mô 7ha, sản lượng tiêu thụ 100 tấn/ha/năm, lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so với phương thức truyền thống.

Có thể nói, vụ đông là vụ sản xuất đặc thù với 3-4 tháng thời tiết lạnh, khô, có sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu và cuối vụ, tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại rau, màu trở thành vụ sản xuất chính mang lại thu nhập cao cho nông dân, đóng góp giá trị không nhỏ cho chế biến, xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây trồng vụ đông của tỉnh đang có xu hướng giảm. Ngoài lý do thời tiết bất thường, chi phí đầu vào cao, đầu ra không ổn định, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều nông dân cũng đang chuyển sang ngành nghề khác. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất một số cây trồng vụ đông là cần thiết nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, thu hút lao động nông thôn, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, vùng nguyên liệu lâu dài cho chế biến, xuất khẩu… Qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com