Theo Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 do Bộ Nội vụ mới công bố, Nam Định đạt 84,86 điểm, xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021. Trong đó, chỉ số thành phần về Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử (do Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm làm đầu mối) đạt 84,81 điểm %, xếp hạng cao nhất trong 8 chỉ số thành phần, xếp thứ 7 cả nước, đưa tỉnh ta lần đầu tiên nằm trong top 10 và đứng thứ 2 trong nhóm các tỉnh đồng bằng sông Hồng về chỉ số thành phần này.
Cán bộ bộ phận một cửa xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. |
Chỉ số Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử là chỉ số thành phần thứ 7 trong Bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước. Năm 2022, chỉ số Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử của tỉnh đạt 12,13 điểm (84,81 điểm %) trong khi điểm tối đa là 13,5 điểm (100%). Trong đó, có 9/14 chỉ số thành phần của nhóm chỉ số này đạt điểm tối đa, đó là: Phát triển các nền tảng, cơ sở dữ liệu; tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại tỉnh; tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; Cổng thông tin điện tử (TTĐT) đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; thiết lập, vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình; triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC… Đây cũng là những chỉ số cơ bản mà tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thiện nhằm phát triển các ứng dụng dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước, các nền tảng cơ sở dữ liệu đáp ứng các dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để có được thành quả này, tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp. Từ khi BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có thêm động lực mới thực sự chuyển biến mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi. Đặc biệt để có được bước đột phá trên bảng xếp hạng chỉ số Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử, Sở TT và TT đã rà soát thực trạng triển khai của những năm trước để đồng thời với việc phát huy những kết quả tích cực thì tập trung tìm giải pháp quyết liệt khắc phục những chỉ số thành phần chưa đạt điểm tối đa. Trong đó nội dung phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp được tập trung cao độ với việc đẩy nhanh tỷ lệ DVCTT toàn trình lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp dễ dàng giải quyết các TTHC. Cụ thể như Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh được xây dựng, đưa vào vận hành tại địa chỉ: dichvucong.namdinh.gov.vn từ năm 2018 và liên tục được cập nhật, bổ sung dữ liệu. Năm 2022 số hồ sơ TTHC tiếp nhận trên Cổng DVCTT của tỉnh là 612.030 lượt. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên Cổng DVCTT của tỉnh đạt 99,9%. Có 32.736 hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến. Tổng số tiền thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí là gần 1 tỷ đồng. Có gần 100 nghìn hồ sơ TTHC được trả kết quả bằng văn bản điện tử. Cổng đã gửi 713.971 tin nhắn thông báo tình hình giải quyết TTHC đến thuê bao điện thoại di động của người dân. Cổng DVCTT của tỉnh đã tích hợp, kết nối và cung cấp 1.213 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết theo đúng quy định 14.215 TTHC từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 655.638 hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cùng với Cổng DVCTT, Cổng TTĐT của tỉnh đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật với 100% các sở, ngành, 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn đã có trang TTĐT hoạt động ổn định, thông tin được cập nhật đầy đủ kịp thời theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Hệ thống Cổng, Trang TTĐT của các cơ quan Nhà nước đã đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu khai thác, tìm kiếm thông tin, văn bản tài liệu của người dân, doanh nghiệp. 100% thông tin chỉ đạo điều hành, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, của các cơ quan Nhà nước được cập nhật thường xuyên, kịp thời với 10.153 tin bài, văn bản tài liệu và gần 28 triệu lượt người truy cập. Đặc biệt, Cổng TTĐT của tỉnh được nâng cấp, bổ sung các mô đun còn thiếu và ưu tiên thiết kế các tính năng dành cho người yếu thế như: tính năng phát thanh các văn bản, nội dung đăng tải; tăng giảm cỡ chữ, độ sáng của màn hình giúp cho người khiếm thính, người thị lực kém, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi bằng thiết bị di động, không phụ thuộc vào máy tính như trước đây.
Chỉ số thành phần về Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử được coi là thước đo quan trọng đối với kết quả của công tác chuyển đổi số. Để tiếp tục phấn đấu thăng hạng ở bộ chỉ số này, Sở TT và TT đang nỗ lực cải thiện những điểm chưa đạt yêu cầu tối đa như: Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức; nâng cao tỷ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho các cấp, các ngành trong tỉnh. Hoàn thành việc rà soát và cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng DVCTT của tỉnh theo hướng DVCTT toàn trình. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Trong đó tập trung đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC đến cấp xã và thanh toán trực tuyến các dịch vụ đời sống sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai số hóa kết quả giải quyết TTHC của tỉnh còn hiệu lực; thực hiện số hóa thành phần hồ sơ, kết quả TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận “một cửa” đến cấp xã. Triển khai sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, đánh giá, bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin