Nỗ lực “số hóa” trong dạy và học

08:53, 28/04/2023

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã có bước “chuyển mình” nhanh chóng trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) vào dạy học. Rất nhiều thầy, cô giáo đã nỗ lực vươn lên, bắt kịp xu hướng “số hóa” với hầu hết các bài giảng được áp dụng phần mềm dạy học, soạn giảng, góp phần thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu Chương trình CĐS quốc gia của Bộ và của Sở GD và ĐT. Có thể kể đến hai thầy cô tiêu biểu là thầy Trần Văn Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) và cô Phạm Thị Tính, giáo viên Trường THCS Hải Đường (Hải Hậu).

Thầy Trần Văn Hiếu (đứng giữa) tại Lễ trao giải Cuộc thi Xây dựng Thiết bị dạy học số lần thứ I do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Thầy Trần Văn Hiếu (đứng giữa) tại Lễ trao giải Cuộc thi Xây dựng Thiết bị dạy học số lần thứ I do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

1. Thầy giáo với phần mềm dạy Toán - Tiếng Việt đa chức năng

Là giáo viên trẻ giảng dạy môn Tin học tại Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), thầy Trần Văn Hiếu đã phát huy thế mạnh, nghiên cứu sáng tạo và đoạt giải Nhất trong Cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I năm 2022” do Bộ GD và ĐT tổ chức với phần mềm dạy học môn Tiếng Việt lớp 1.

Trước đó, để tham dự cuộc thi, thầy Hiếu đã tìm hiểu kỹ về Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với 2 môn học Toán và Tiếng Việt lớp 1; các bộ sách Toán, Tiếng Việt lớp 1 của các Nhà xuất bản như: Cánh Diều, Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Thông tư 37/2021 của Bộ GD và ĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học. Sau đó, thầy đã lên ý tưởng cho sản phẩm dự thi của mình. Với môn Toán lớp 1, thầy đã thiết kế phần mềm dạy học với những chức năng: tập viết số; thẻ ghép số; thẻ hình học phẳng; thẻ hình khối; thẻ que tính; bộ thực hành đồng hồ; thẻ con vật; trò chơi toán học để thay thế cho bộ đồ dùng dạy học của giáo viên khi lên lớp trong sản phẩm dự thi của mình. Với môn Tiếng Việt lớp 1, phần mềm của thầy Hiếu thiết kế đã tích hợp nhiều chức năng khác nhau như: Làm quen với bảng chữ cái gồm chữ cái in thường và chữ cái in hoa; tập viết âm tiếng Việt; tập viết vần tiếng Việt với 137 vần tương đối đủ và phù hợp với các bộ sách của Chương trình GDPT 2018; bộ thẻ ghép âm, vần, tiếng thông minh thay cho đồ dùng dạy học truyền thống môn Tiếng Việt lớp 1; thử thách tiếng Việt được thiết kế theo các trò chơi liên quan đến kiến thức như các chữ cái để học sinh ôn luyện hoặc nhận biết chữ cái. 2 sản phẩm dự thi này ở Cuộc thi thiết bị dạy học số cấp tỉnh đều đoạt giải Nhất và được đánh giá rất cao, được Sở GD và ĐT lựa chọn đi thi cấp Bộ; trong đó, phần mềm dạy học môn Tiếng Việt đã đoạt giải Nhất cấp Bộ. Cô giáo Tống Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Xuân Trường cho biết: “Triển khai Chương trình GDPT 2018, cũng như các cơ sở giáo dục khác, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về trang bị thiết bị dạy học. Do vậy, việc xây dựng kho thiết bị dạy học số là rất cần thiết trong quá trình dạy và học, trong đó hai phần mềm dạy học đa chức năng với môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 của thầy Hiếu được áp dụng thành công tại trường”.

Ngoài công việc nhà trường giao, thầy Hiếu còn là giáo viên cốt cán bộ môn Tin học cấp tiểu học của Phòng và của Sở GD và ĐT. Hiện thầy là Tổ trưởng tổ tin học cấp Tiểu học của huyện. Với vai trò đó, thầy đã tham mưu cho lãnh đạo Phòng GD và ĐT tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên trong tổ, hoặc thống nhất các nội dung về môn học để việc dạy và học môn Tin học cấp tiểu học của huyện ngày một phát triển. Thầy cũng thường xuyên được Sở cử đi tập huấn các mô-đun của Chương trình GDPT 2018 môn Tin học. Năm học 2022-2023, thầy được Sở giao tập huấn cho giáo viên về nội dung của mô-đun 9 về ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục tiểu học cho giáo viên cốt cán toàn tỉnh. Ngoài lớp tập huấn mô-đun 9, thầy còn được Sở giao tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tiểu học toàn tỉnh về kỹ năng thiết kế bài giảng E-Learning. Cũng trong năm học này, Sở GD và ĐT tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning cấp tiểu học. Để phục vụ cuộc thi, thầy không nề hà vất vả, mở các lớp học trực tuyến miễn phí vào các buổi tối trong tuần từ 20 giờ đến 23 giờ để đào tạo kỹ năng cho giáo viên trong toàn tỉnh. Có những tối buổi học online lên đến 300 giáo viên tham gia. Nhiều giáo viên đã tạo ra được các sản phẩm có chất lượng sau khoá học.

Cô Phạm Thị Tính và học sinh trong một giờ học ứng dụng công nghệ thông tin.
Cô Phạm Thị Tính và học sinh trong một giờ học ứng dụng công nghệ thông tin.

2. “Mô hình ngôi nhà thông minh” - thiết bị dạy học số hữu ích cả trực tiếp và trực tuyến

Cô Phạm Thị Tính, giáo viên Trường THCS Hải Đường (Hải Hậu) cũng là một trong số ít giáo viên của tỉnh và của toàn quốc đoạt giải Nhất tại Cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ nhất” do Bộ GD và ĐT tổ chức với sản phẩm thiết kế “Mô hình ngôi nhà thông minh” của môn Công nghệ 6. Cô Tính được Ban giám hiệu và đồng nghiệp đánh giá luôn có ý thức trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo hiệu quả công tác giảng dạy cũng như khả năng sáng tạo và vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn phương pháp tự học cho học sinh.

Được giao giảng dạy môn Công nghệ, Vật lý các khối lớp 6, 7, 8, cô Tính chia sẻ: “Bản thân tôi luôn có ý thức tự học qua thực tế, qua báo chí, thông tin đại chúng, học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi tôi hiểu trong thời đại công nghệ 4.0, nếu giáo viên không sáng tạo, không liên tục đổi mới để thích nghi sẽ tụt hậu. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn chủ động tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nghiên cứu, tìm hiểu để áp dụng vào công việc chuyên môn của mình”.

Nói về sản phẩm tham gia Cuộc thi Thiết bị dạy học số, cô Tính cho biết: “Tôi hiểu cuộc thi khuyến khích phong trào ứng dụng công nghệ số và năng lực sáng tạo để thiết kế, làm thiết bị dạy học bổ sung, khắc phục những khó khăn về thiết bị dạy học thiếu hoặc không đồng bộ tại các cơ sở giáo dục. Đối với bản thân tôi, đây thực sự là một sân chơi sáng tạo và cơ hội giao lưu học hỏi từ đồng nghiệp. Kho thiết bị dạy học số đã bổ sung nguồn tư liệu dạy học, thiết bị dạy học có chất lượng để sử dụng trong giảng dạy đảm bảo chất lượng và hiệu quả; đáp ứng khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học”.

Theo Ban giám khảo, sản phẩm “Ngôi nhà thông minh” của cô Phạm Thị Tính được thiết kế, xây dựng trên phần mềm Visual Studio, hỗ trợ trên nền tảng Microsoft. Giao diện dễ sử dụng, cấu hình nhẹ, chiếm ít dung lượng của bộ nhớ nên load nhanh, được kết hợp nguồn tư liệu tranh ảnh với video ở trên mạng internet để xây dựng mô hình ngôi nhà 3D sinh động, trực quan, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Sản phẩm có thể được ứng dụng dạy học môn Công nghệ của các khối lớp: 6, 8 và 11. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể sử dụng trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo về ngành kiến trúc, xây dựng, kỹ thuật... Đây là một thiết bị dạy học số rất hữu ích trong việc dạy học trực tiếp, trực tuyến. Khi áp dụng thiết bị dạy học số này, học sinh sẽ ghi nhớ kiến thức lâu hơn, đồng thời thu hút sự chú ý của học sinh vào bài giảng, tạo hứng thú học tập cho các em. Đối với phần mềm này, học sinh cũng có thể tự học, tự kiểm tra... Bên cạnh đó, phần mềm cũng giúp học sinh sử dụng, tương tác trực tiếp trên môi trường số, từ đó phát huy được phẩm chất, năng lực người học.

Các sản phẩm thiết bị dạy học số của thầy Trần Văn Hiếu và cô Phạm Thị Tính đang được ứng dụng vào giảng dạy đem lại hiệu quả cao, góp phần lan tỏa tinh thần say mê nghề nghiệp, tích cực sáng tạo để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com