Phát triển dịch vụ ngân hàng số đáp ứng nhu cầu người cao tuổi

07:57, 07/02/2023

Để khắc phục trở ngại đối với người cao tuổi khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, hướng tới phổ cập hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các dịch vụ tiện ích số hiện đại, đồng thời chú trọng xây dựng các sản phẩm chuyên biệt dành cho nhóm khách hàng từ 40 tuổi trở lên.

Cán bộ LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định hướng dẫn khách hàng lớn tuổi sử dụng các dịch vụ trên ngân hàng số.
Cán bộ LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định hướng dẫn khách hàng lớn tuổi sử dụng các dịch vụ trên ngân hàng số.

Các ngân hàng như Agribank, SeABank, HDBank, Sacombank, TPBank, LienVietPostBank… đều có các động thái cụ thể quan tâm nhiều hơn đến nhóm khách hàng cao tuổi, triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính hưu trí với các ưu đãi đặc thù. Theo khảo sát, đa số người cao tuổi đều có nhu cầu gửi tiết tiệm để yên tâm an dưỡng tuổi già nên nhiều ngân hàng đã đưa ra chính sách cộng thêm lãi suất tiết kiệm. Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) trong năm 2022 đã thực hiện chương trình ưu đãi gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cao tuổi với mức lãi suất cộng thêm 1% so với tiền gửi thông thường. Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) cũng ưu đãi cộng thêm 0,1%/năm lãi suất tiết kiệm cho khách hàng trên 40 tuổi gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ ATM miễn phí cho người lao động hưởng chế độ lương hưu. Năm 2022, Ngân hàng này cũng đã ra mắt sản phẩm thẻ ATM Hưu trí đặc thù; đồng thời phối hợp với Bưu điện Việt Nam cung cấp hình thức in hóa đơn tại các POS đặt trong hệ thống bưu điện không có cây ATM nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn mở tặng khách hàng tham gia chương trình cho vay hưu trí một thẻ hưu trí để nhận lương hưu qua tài khoản, với ưu đãi hấp dẫn như miễn các loại phí phát hành, phí rút tiền, quản lý tài khoản; miễn số dư duy trì trong tài khoản, cũng như phí đăng ký và phí thường niên các dịch vụ SMS Banking, Internet Banking... Ngoài ra, LienVietPostBank cũng đang triển khai chương trình “Tiết kiệm an nhàn tuổi hưu” dành cho khách hàng từ 40 tuổi trở lên với số tiền gửi tối thiểu là 5 triệu đồng, kỳ hạn đa dạng từ 1-60 tháng. Đối với người cao tuổi có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định đang tiếp tục triển khai chương trình tín dụng hưu trí có mức vay lên đến 500 triệu đồng, thời hạn cho vay lên đến 5 năm với thủ tục đơn giản, dễ dàng, nhanh gọn, làm thay đổi nhận thức “ngại vay, sợ ràng buộc”… của khách hàng lớn tuổi. Tại tỉnh ta, Chi nhánh đã cho vay hơn 3.000 khách hàng hưu trí. Ngay từ đầu năm 2023, Chi nhánh đã triển khai chương trình “Thúc đẩy chuyển đổi khoản vay tín dụng hưu trí tiền mặt sang tín dụng Hưu Trí ATM” với quà tặng 200 nghìn đồng. 

Không chỉ vậy, các ngân hàng còn hỗ trợ người cao tuổi chủ động hơn trong việc chi trả sinh hoạt phí (tiền điện, tiền nước...) bằng việc cài đặt tự động thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 12.566 người nhận lương hưu hàng tháng qua thẻ ATM, chiếm 12,3% trên tổng số người hưởng lương (102.203 người), trong đó số người ở đô thị là 8.238 người/46.630 người, chiếm 17,67%. Các ngân hàng cũng hỗ trợ chi trả bảo hiểm xã hội qua tài khoản ATM cho 7.885 người, đạt 66,52%, trong đó số người trên địa bàn đô thị là 1.936 người/3.400 người, chiếm 56,94%. Ông Phạm Văn Chuyển ở phường Bà Triệu (thành phố Nam Định) cho biết: “Nhận lương qua tài khoản ngân hàng rất thuận tiện. Mỗi lần đến kỳ lương, ngân hàng tự động chuyển vào tài khoản, không bị bó buộc phải đến điểm phát lương chờ đợi mất nhiều thời gian như trước; cần sử dụng bao nhiêu rút bấy nhiêu và ở bất cứ chỗ nào. Ngoài ra để tiền trong tài khoản còn được lãi nên tôi rất yên tâm”. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định đang triển khai chương trình đăng ký dịch vụ khấu trừ hóa đơn tiền điện tự động và hoàn toàn miễn phí. Theo đó, khách hàng ủy quyền cho ngân hàng tự động trích nợ tài khoản để thanh toán tiền điện. Hay như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định cung cấp tính năng tìm kiếm bằng giọng nói (Voise Search) giúp người cao tuổi dễ dàng nêu yêu cầu khi cần sử dụng dịch vụ ngân hàng số, khắc phục khó khăn khi phải thao tác thủ công. Trong năm, các ngân hàng thương mại đã thực hiện thu hộ 1.161.937 món với số tiền 1.610 tỷ đồng. Đối với dịch vụ thu tiền nước, năm 2022, các ngân hàng đã thực hiện thu hộ 83.950 món với số tiền 416 tỷ đồng. 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh số hóa ở hệ thống ngân hàng diễn ra nhanh chóng; tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng nhanh thì việc phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện ích dành cho người lớn tuổi là cần thiết giúp các ngân hàng thu hút được lượng khách hàng không nhỏ cũng như góp phần thúc đẩy số hóa nền kinh tế, từng bước xây dựng xã hội không dùng tiền mặt toàn diện dành cho mọi người dân./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com