Việc xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng số được xác định đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số (CĐS). Vì vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nền tảng số và đã đạt được những kết quả nhất định.
Nhân viên VNPT Nam Định sẵn sàng ứng cứu sự cố, đảm bảo kết nối thông tin mạng an toàn. |
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu tư hạ tầng số lớn (gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng trung tâm dữ liệu) nên tỉnh đã tranh thủ huy động nguồn lực đầu tư, phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ để thuê dịch vụ, phát triển hạ tầng CNTT. Cùng với đó, hàng năm tỉnh đều dành nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng hạ tầng kỹ thuật CNTT theo lộ trình giai đoạn, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, CĐS. Đến nay, 100% các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và được kết nối internet cáp quang băng rộng; 95% máy tính của cán bộ, công chức được kết nối mạng internet tốc độ cao (trừ các máy tính liên quan đến dữ liệu mật). 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được trang bị máy tính để làm việc. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng với 371 điểm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối liên thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh và đến tất cả các sở, ngành; UBND 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. 100% cơ quan quản lý Nhà nước 3 cấp của tỉnh sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh, đảm bảo phục vụ 100% các cuộc họp trực tuyến của tỉnh.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đảm bảo cài đặt và vận hành hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, CĐS. Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh (SOC) vận hành 14 giải pháp và được kết nối với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu và các hệ thống thông tin trong quá trình vận hành, kết nối, trao đổi. Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh được xây dựng và đang trong giai đoạn hoạt động thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh. Toàn tỉnh có 495 nghìn máy tính đang hoạt động; 9.100 doanh nghiệp đã có kết nối internet băng rộng; 165 nghìn hộ gia đình có kết nối internet băng rộng; 200 nghìn người dân sử dụng internet; 80% trên tổng dân số có sử dụng điện thoại thông minh (Smartphone) hoặc sử dụng thuê bao mạng 3G, 4G.
Trong xây dựng nền tảng số (hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến), Sở TT và TT được giao nhiệm vụ chủ trì việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu (CSDL) của tỉnh với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông; tạo hệ sinh thái dữ liệu và đẩy nhanh quá trình CĐS của tỉnh. Hiện nay, khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh đã được cập nhật phiên bản 2.0 theo Quyết định số 978/QĐ-UBND ngày 26-5-2022. Trục liên thông văn bản tỉnh hoạt động ổn định, đảm bảo việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước trên địa bàn tỉnh và liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương, 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đầu năm 2020, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh (LGSP) đã được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động, đã kết nối, chia sẻ CSDL với các hệ thống thông tin, CSDL gồm: Kết nối, chia sẻ CSDL với nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của quốc gia (NGSP) do Bộ TT và TT quản lý, vận hành; kết nối, chia sẻ CSDL giữa cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ CSDL giữa các hệ thống thông tin dùng chung trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và một số phần mềm, CSDL chuyên ngành khác của tỉnh để đồng bộ tài khoản dùng chung, thực hiện việc đăng nhập một lần trên hệ thống đăng nhập một lần của tỉnh (SSO). Hiện nay 100% tài khoản sử dụng các phần mềm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan Nhà nước 3 cấp của tỉnh đã được tích hợp, đồng bộ với hệ thống SSO thông qua tài khoản và mật khẩu của hệ thống thư điện tử công vụ (mail.namdinh.gov.vn); kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL theo hướng dẫn của Bộ TT và TT (CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ kế hoạch và Đầu tư, CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an, CSDL quốc gia về bảo hiểm của BHXH Việt Nam, CSDL đất đai quốc gia của Bộ TN và MT, CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, CSDL và nền tảng tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế, các hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, hệ thống đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp, hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách của Bộ Tài chính, hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam của Bộ TT và TT, Liên thông TNMT - Thuế của Bộ TN và MT, hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hệ thống mã bưu chính Vpostcode của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam).
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng các nền tảng sinh thái phục vụ CĐS như là Ứng dụng di động cho cán bộ công chức - App IOC Nam Định, ứng dụng di động công dân - App Smart Nam Định. Xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức trên môi trường điện tử, thiết bị di động và phục vụ nhu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước trên thiết bị di động gồm: Cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý tài sản, quản lý cán bộ, công chức, thi đua, khen thưởng…). Các CSDL chuyên ngành quan trọng do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh xây dựng được các cơ quan trong tỉnh triển khai có hiệu quả như: Quản lý dân cư; quản lý doanh nghiệp; quản lý đất đai; quản lý y tế; quản lý khoa học và công nghệ; quản lý hộ tịch; cấp đổi giấy phép lái xe; quản lý số liệu về cơ sở hạ tầng giao thông; quản lý khoa học và công nghệ; quản lý dự án đầu tư; quản lý tài chính, thuế, hải quan, kho bạc; quản lý bảo hiểm… Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng các phần mềm phục vụ việc tạo lập, cập nhật các CSDL, như: CSDL kinh tế - xã hội tích hợp trong hệ thống báo cáo của tỉnh; CSDL quản lý cán bộ, công chức; CSDL quản lý giống cây trồng; cơ sở báo cáo thống kê ngành TT và TT; CSDL trong lĩnh vực văn hóa, thông tin; CSDL thi đua, khen thưởng trong lĩnh giáo dục của tỉnh… Đang tiến hành việc xây dựng kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân, giúp người dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của cá nhân trên cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước.
Tuy đạt những kết quả tích cực, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, nền tảng số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế trong tổng thể các nhiệm vụ CĐS của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật TT và TT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tạo ra được đột phá về hạ tầng phục vụ CĐS, nhất là nền tảng về công nghệ thông tin cho kinh tế số thì chưa thực sự đã đồng bộ. Việc thực hiện mục tiêu trọng tâm năm 2022 của Ủy ban quốc gia về CĐS đó là tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85% chưa hoàn thành… Các nền tảng số dù đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển nhưng chưa có được nhiều hiệu quả, chưa tạo ra điểm sáng trong CĐS.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch, mục tiêu tỉnh đề ra trong lộ trình CĐS đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh yêu cầu các cấp ngành, địa phương bám sát kế hoạch của tỉnh, các chỉ đạo hướng dẫn về CĐS của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, nền tảng số. Theo đó, chú trọng huy động, sử dụng các nguồn lực để triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ 5G, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cho tất cả các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời kết nối liên thông với khối chính quyền; xây dựng quy hoạch và triển khai xây dựng mạng lưới hệ thống camera giám sát trên địa bàn tỉnh; lưới cảm biến và hạ tầng kết nối internet vạn vật (IoT), tích hợp vào trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của tỉnh; hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, internet. Từng bước tái cấu trúc, dịch chuyển hạ tầng CNTT sang ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Tập trung hoàn thiện kho dữ liệu số dùng chung toàn tỉnh; kết nối, tích hợp CSDL quốc gia do bộ, ngành triển khai với kho dữ liệu tỉnh và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị dùng chung để phân tích, dự báo, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công của tỉnh. Triển khai thêm và mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Xây dựng và cập nhật thông tin cho cổng dữ liệu mở của tỉnh theo chuẩn quốc gia để cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, công khai cho người dân, doanh nghiệp. Phát triển, số hóa các dữ liệu quan trọng (kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hộ tịch...). Tập trung xây dựng nền tảng hệ sinh thái số phục vụ tiến trình CĐS của tỉnh trên cơ sở các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, nền tảng thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; phát triển các nền tảng mới, đặc thù cho tỉnh phục vụ cung cấp dịch vụ công và quản lý hành chính; hoàn thiện nền tảng thanh toán trực tuyến, kết nối với các nền tảng điện thoại di động để áp dụng thu phí, lệ phí dịch vụ hành chính công. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng do Bộ TT và TT công bố. Thúc đẩy phát triển và áp dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử. Triển khai các nền tảng số trên các lĩnh vực ưu tiên phát triển, như nền tảng phục vụ dạy và học trực tuyến, đăng ký, tư vấn, khám, chữa bệnh và hội chẩn từ xa, quản lý giao thông, cung cấp dịch vụ du lịch.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Nam Định thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá CĐS./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin