Nỗ lực xây dựng xã hội số

21:26, 25/10/2022

Xã hội số (XHS) là một trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh. Thời gian qua các cấp chính quyền, ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy các hoạt động xây dựng XHS; chú trọng đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng, phát triển các dịch vụ số; khuyến khích người dân đầu tư, trang bị, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng internet và truy cập, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số.

Người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số trên ứng dụng LienViet24h tại LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định.
Người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số trên ứng dụng LienViet24h tại LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1,8 triệu thuê bao điện thoại, 1,7 triệu thuê bao internet được truy cập internet tốc độ cao 3G, 4G; trên 82% hộ gia đình có máy tính. Nhiều ngành chức năng đã phối hợp hỗ trợ người dân tham gia sâu vào chương trình CĐS, nhất là tham gia sử dụng các nền tảng, dịch vụ số hữu ích cho đời sống tinh thần, phát triển kinh tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập trên môi trường internet. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX, cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp thúc đẩy ứng dụng số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ sử dụng các phần mềm quản lý, điều hành sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường...; hiện đã có 9,07% số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh. Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn cho gần 300 hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm ở quy mô hàng hóa của các huyện Ý Yên, Vụ Bản về các kỹ năng lập tài khoản gian hàng, mở tài khoản thanh toán, tham gia, mua bán trên các sàn thương mại điện tử; được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng Mobile money trong thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch thông thường trong đời sống hàng ngày như đi chợ, thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ viễn thông. Đến nay, 60% các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. 100% ngân hàng trên địa bàn đã cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử đến các đối tượng khách hàng là người dân; toàn tỉnh hiện có gần 80% người dân độ tuổi từ 15 tuổi trở lên đã có tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch về tài chính.

Để tăng nhanh lượng người dân tham gia vào các hoạt động trên môi trường số, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã đẩy mạnh chương trình cấp danh tính số, đến nay đã đạt khoảng 95% dân số trên địa bàn tỉnh được cấp danh tính số. Ngoài chữ ký số của cơ quan Nhà nước đã triển khai từ tỉnh đến xã cho tất cả cán bộ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký số, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã cấp chữ ký số và chữ ký điện tử cho 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các huyện, thành phố đã cung cấp điểm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân về CĐS và công nghệ số. Đặc biệt, trong tháng 9-2022, các địa phương trên toàn tỉnh đã đồng loạt thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố (mỗi tổ tối thiểu 3 thành viên) với vai trò là cánh tay nối dài giúp Ban Chỉ đạo CĐS các cấp (từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn) đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đã được hướng dẫn tham gia kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia” để kịp thời nắm bắt, cập nhật chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia, các bộ, ngành, địa phương; tham gia chương trình phổ cập kỹ năng số cộng đồng với nhiệm vụ  nắm vững các kỹ năng: sử dụng các tính năng, dịch vụ số trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng các trình duyệt Cốc Cốc, Viettel Money, VNPT Money, các quy trình hướng dẫn tham gia các Sàn thương mại điện tử từ Voso, Postmart… làm nền tảng kiến thức phục vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Yên Phương, xã Yên Phương (Ý Yên) được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội - Hanoi Telecom trao tặng máy tính bảng để tham gia học tập trực tuyến, khai thác nguồn tài nguyên kiến thức trên mạng internet.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Yên Phương, xã Yên Phương (Ý Yên) được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội - Hanoi Telecom trao tặng máy tính bảng để tham gia học tập trực tuyến, khai thác nguồn tài nguyên kiến thức trên mạng internet.

Với những nỗ lực kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã góp phần tăng nhanh tổng số người dùng hàng tháng và tổng thời lượng sử dụng các nền tảng số di động của Việt Nam, nhất là sử dụng dịch vụ số trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng điện tử và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử… Theo kết quả xếp hạng chỉ số đánh giá CĐS (DTI) năm 2021 cấp tỉnh, trong nhóm 9 chỉ số chính, hoạt động XHS của Nam Định đạt kết quả cao trên bình diện chung toàn quốc với xếp hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên xét trên bình diện 3 trụ cột của CĐS gồm chính quyền số, XHS, kinh tế số, thì trụ cột XHS (bao gồm nhóm hoạt động XHS và nhóm chỉ số nền tảng chung) của tỉnh mới đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này buộc các cấp chính quyền, ngành chức năng phải tiếp tục có giải pháp cải thiện điểm số trụ cột XHS với mục tiêu là đưa người dân lên môi trường số. Bên cạnh đó, ngành Thông tin và Truyền thông cũng nhận diện các điểm yếu cần lưu tâm cải thiện trong hoạt động XHS từ phía người dân gồm: kỹ năng số của người dân nói chung còn chưa cao, mới tập trung chủ yếu ở giới trẻ; người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng; số lượng người dùng các nền tảng số phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính công còn thấp…

Để khắc phục những hạn chế đó, thời gian tới các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động nâng chất chỉ số nền tảng chung để đảm bảo hỗ trợ người dân được hỗ trợ tối đa các điều kiện thuận lợi nhất khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số với các phần việc: Tích cực kiến tạo thể chế; cải thiện hạ tầng và nền tảng số; củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin và dữ liệu số; tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng; đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực XHS. Đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi nhận thức của người dân về CĐS và hoạt động XHS; khuyến khích người dân đầu tư trang bị điện thoại thông minh để truy cập vào môi trường internet và tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số, nhất là tham gia giải quyết các thủ tục hành chính công trên môi trường số. Chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số thiết yếu, thông minh, dễ sử dụng cho người dân; tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân và hình thành dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin dùng chung. Tỉnh thường xuyên đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; tập trung xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; phát triển hệ thống hỗ trợ trực tuyến để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số.

Bằng việc gia tăng các giải pháp, các cấp chính quyền, ngành chức năng hướng đến mục tiêu đến năm 2025, nhiệm vụ xây dựng XHS của tỉnh đạt kết quả: 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; trên 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; trên 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 80% hộ gia đình được phủ mạng internet băng thông rộng cáp quang; trên 70% người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản; trên 50% dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trên 30% dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở; 70% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com