Tác phẩm dự thi Giải Báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX-2024: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế (kỳ 2)

18:51, 05/08/2024

Kỳ I: Nghệ thuật truyền thống - Nguồn nội lực phong phú để phát triển công nghiệp văn hóa

(Tiếp theo kỳ trước)

Công nghiệp văn hóa (CNVH) là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh xác định phát triển CNVH là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, cần lựa chọn đúng để đầu tư và tạo ra những sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc Nam Định.

Biểu diễn múa rối nước của Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sông Quê tại không gian Bảo tàng tỉnh.
Biểu diễn múa rối nước của Đoàn nghệ thuật múa rối nước Sông Quê tại không gian Bảo tàng tỉnh.

 

Kỳ II:
Khai thác tiềm năng kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa

 

Du lịch văn hóa là một trong 12 ngành CNVH được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững nhấn mạnh “Phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; đầu tư phát triển CNVH trong đó coi trọng du lịch văn hóa”. Như vậy, văn hóa là yếu tố quan trọng để hình thành nên sản phẩm du lịch.

Để “mở đường” cho CNVH phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng; huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành CNVH tại địa phương. Hiện nay, các sản phẩm du lịch văn hóa chủ lực của tỉnh đang được khai thác, phát triển gồm: sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh (di tích, danh thắng, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống); trong đó tập trung vào 2 địa điểm du lịch mang tầm quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định) và Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). Trên từng khu vực địa lý hành chính của tỉnh dày đặc những công trình tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ, từ đường, nhà thờ Công giáo; từ đó hình thành nên các địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn; do vậy loại hình du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh khá phát triển, hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương. Sản phẩm văn hóa tâm linh mang đặc trưng của Nam Định là tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với di tích và lễ hội Phủ Dầy (tháng 3 âm lịch), tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần gắn với di tích và lễ hội Đền Trần (tháng 8 âm lịch), Lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng). Bên cạnh đó, nói tới di sản văn hóa Nam Định không thể không nhắc đến những sản phẩm ẩm thực mang nét văn hóa đặc trưng của người Nam Định. Đó là phở bò và bún đũa đã được sách Kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của cả nước. Các đặc sản ẩm thực đặc sắc như: bánh cuốn làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, kẹo Sìu Châu, bánh nhãn Hải Hậu, gạo tám Xuân Đài, nước mắm Sa Châu, cá nướng úp chậu Trực Ninh, cá chạch kho Nghĩa Hưng... được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP và được nhiều thực khách trong, ngoài nước ưa chuộng.

Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND quy định “Mô hình quản lý các khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh” nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch nói chung, phát huy tiềm năng, lợi thế của các khu du lịch nói riêng; nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch có bước phát triển, đổi mới thông qua việc tổ chức đa dạng các hình thức hoạt động như hội thảo, hội chợ, triển lãm du lịch như: Hội thảo xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định; Hội chợ Du lịch - Thương mại Nam Định, Triển lãm Ảnh đẹp du lịch Nam Định; tham gia gian hàng xúc tiến du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tổ chức gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng các tài liệu, ấn phẩm chỉ dẫn các điểm tham quan, du lịch tiêu biểu Nam Định để hưởng ứng SEA Games 31 năm 2022 tổ chức tại địa phương; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình của Trung ương xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về điểm đến du lịch tiêu biểu, hấp dẫn nhằm giới thiệu đến công chúng về các sản phẩm du lịch của Nam Định. Từ đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của di sản văn hóa, ẩm thực, làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Nam Định.

Múa rồng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Múa rồng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

Công tác thu hút đầu tư phát triển các ngành CNVH được tỉnh quan tâm. Với sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cùng các nguồn kinh phí khác đầu tư kiến thiết hạ tầng đã góp phần làm thay đổi diện mạo các khu du lịch trong tỉnh. Trong đó trước hết phải kể đến việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giúp du khách di chuyển, tiếp cận với các địa điểm tham quan du lịch thuận tiện, dễ dàng hơn giúp tăng lượng khách, từ đó góp phần tăng sức thu hút của các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch. Thực tế, từ năm 2022 đến nay (sau đại dịch COVID-19), số lượng khách du lịch đến với Nam Định tăng dần. Ngành Du lịch tỉnh nhờ đó đã có tăng trưởng đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Cơ cấu kinh tế dịch vụ chuyển dịch tích cực ở lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ phục vụ khác.

Bên cạnh các ngành CNVH có nhiều lợi thế được ưu tiên phát triển, có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân, một số ngành cũng bước đầu đổi mới, tiếp cận công nghệ tiên tiến để phát triển. Nam Định hiện có hàng trăm làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đã tạo dựng được thương hiệu có uy tín như: sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, khảm trai, gỗ mỹ nghệ La xuyên, Phạm Rỵ, hoa giấy Báo Đáp… Trong đó nổi bật là nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm của các làng nghề hiện nay rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, chất lượng tốt, kỹ thuật tinh xảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường. Có nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh đã hoặc có tiềm năng, cơ hội xuất khẩu như các sản phẩm tiêu dùng, decor bằng mây tre hoặc cói (bèo tây...) đan, sơn mài mỹ nghệ của làng nghề Cát Đằng, La Xuyên... Hay các món bánh mì Việt Nam, Phở Việt Nam (nguồn gốc là phở bò Nam Định) và nhiều món ăn khác đang là chủ đề "hot" trên các kênh truyền thông quốc tế; thu hút sự quan tâm, ưa chuộng của khách quốc tế ở nhiều quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiền năng và giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới... trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định.

Với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, từ các loại hình biểu diễn, sáng tác nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, văn hoá ẩm thực, làng nghề đến những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định đã trở thành địa phương có nhiều tiềm năng để khai thác giá trị kinh tế, phát triển các ngành CNVH. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH từ đó tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển các ngành CNVH. Phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao có quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển một số ngành CNVH có ưu thế trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi để xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về tìm hiểu, đầu tư; triển khai xây dựng các chính sách ưu đãi, huy động mọi nguồn lực phát triển các ngành CNVH có lợi thế, tiềm năng. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ văn hóa, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Khánh Dũng

Kỳ III: Phát triển CNVH góp phần phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, con người Nam Định 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com