Với truyền thống hiếu học và học giỏi, tỉnh ta liên tục là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đã và đang xây dựng một xã hội học tập rộng khắp. Để đạt được những kết quả đó có vai trò tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các địa phương, đơn vị.
Khen thưởng cán bộ, giáo viên Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu) đóng góp tích cực trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương. |
Vai trò của cấp ủy, người đứng đầu
Nhắc đến phong trào khuyến học, khuyến tài (KH-KT), xây dựng xã hội học tập ở huyện Nam Trực, ai cũng nhớ ngay đến người “nhạc trưởng” - ông Đỗ Văn Khắc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học huyện. Khi còn giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Nam Cường, ông Đỗ Văn Khắc là người luôn theo sát phong trào KH-KT và ngay sau khi về hưu năm 2000, với uy tín và trách nhiệm với phong trào, ông được bầu Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nam Cường; ủy viên BCH Hội Khuyến học huyện Nam Trực, từ đó ông có nhiều đóng góp đưa sự nghiệp KH-KT của huyện ngày càng phát triển. Ông Đỗ Văn Khắc nhớ lại: Quãng thời gian năm 1997, khi đó Đảng, Nhà nước có chủ trương thành lập tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ các hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục học đường, vận động người dân đi học để nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, với vai trò là ủy viên BCH Hội Khuyến học huyện, ông đã tìm hiểu rất kỹ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước để tham mưu xây dựng kế hoạch thành lập tổ chức Hội ở địa phương. Với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã, ông Khắc cùng với BCH Hội Khuyến học xã luôn trăn trở làm sao để đưa phong trào học tập của địa phương ngày càng phát triển. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hội Khuyến học xã Nam Cường đã thành lập được 23 chi hội các dòng họ, thôn xóm và nhà trường. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xuống từng dòng họ, thôn làng vận động nhân dân tham gia tích cực vào công tác KH-KT, ông đã tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã huy động đóng góp của các nhà tài trợ và nhân dân để xây dựng Quỹ khuyến học làm phần thưởng cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi.
Từ chỗ năm nào các nhà trường trong xã cũng có học sinh bỏ học giữa chừng, mỗi năm chỉ có 1-2 em đỗ vào đại học, sau khi Hội Khuyến học xã được thành lập và có các hoạt động động viên, khen thưởng những học sinh có thành tích cao trong học tập, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên từng năm; có năm có tới 16 học sinh đỗ vào đại học và đặc biệt không còn học sinh nào phải bỏ học giữa chừng. Xã Nam Cường luôn đứng trong tốp dẫn đầu toàn huyện về phong trào xây dựng KH-KT. Là Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học huyện, ông Khắc đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển tổ chức hội và hội viên. Hội Khuyến học huyện còn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể vận động xây dựng Quỹ khuyến học ở tất cả các tổ chức hội ở các dòng họ, các tôn giáo, cơ quan, doanh nghiệp. Qua từng năm, số gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập ở địa phương ngày càng cao. Huyện Nam Trực luôn đứng trong tốp dẫn đầu trong toàn tỉnh trong phong trào KH-KT, xây dựng xã hội học tập. 5 lần Hội Khuyến học huyện được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Trước đây, phong trào giáo dục, KH-KT ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy) chưa được người dân coi trọng. Với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, những năm qua hoạt động của Hội Khuyến học, phong trào KH-KT từng bước được đẩy mạnh. Hàng năm, Hội Khuyến học xã chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND xã triển khai công tác KH-KT; phát động các phong trào thi đua học tập, mùa xuân khuyến học, vận động nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học của các chi hội và dòng họ. Hội Khuyến học xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của các cấp lãnh đạo về việc đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng công tác KH-KT, xây dựng xã hội học tập. Đến nay, toàn xã có 27 chi hội khuyến học với 3.812 hội viên, trong đó tất cả cán bộ, đảng viên đều là hội viên Hội Khuyến học. Hầu hết các tổ chức hội cơ sở đều do người đứng đầu là bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng họ hoặc đảng viên có uy tín làm đại diện ban khuyến học, chi hội khuyến học; trong đó đã xây dựng được quy chế hoạt động, phân công cụ thể, có lịch sinh hoạt hàng quý, hàng năm, gắn với việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập với các cuộc vận động lớn của địa phương.
Hàng năm, Hội Khuyến học xã Giao Thịnh tổ chức hiệu quả công tác vận động các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp ủng hộ đóng góp quỹ giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó vươn lên. Vận động mọi tầng lớp nhân dân, những người con quê hương đang làm ăn, sinh sống ở khắp nơi ủng hộ quỹ khuyến học nhằm động viên, khen thưởng những giáo viên giỏi, học sinh giỏi và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhiều dòng họ, thôn xóm đã chọn những ngày giỗ tổ hoặc Tết Trung thu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để làm lễ báo công, khen thưởng cho con cháu nhằm khích lệ ý thức vươn lên trong học tập. Đến nay, Quỹ khuyến học của toàn xã có trên 1,4 tỷ đồng; trong đó quỹ của Hội Khuyến học xã quản lý có trên 40 triệu đồng; Quỹ Khuyến học Hoàng Kiền có 120 triệu đồng; quỹ của các ban, chi hội có gần 1,3 tỷ đồng. Hàng năm, đã có hàng trăm lượt học sinh được khen thưởng, trong đó riêng các dòng họ đã trao thưởng cho 390 lượt học sinh với số tiền trên 39 triệu đồng; các chi hội khuyến học trao thưởng cho các cháu vào dịp Tết Trung thu số tiền trên 68 triệu đồng; các giáo xứ trao thưởng cho 750 lượt học sinh với số tiền trên 45 triệu đồng.
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng xã hội học tập
Những năm qua, công tác KH-KT luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể; cùng với sự ủng hộ của nhân dân, sự nỗ lực phấn đấu, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp. Sự nghiệp KH-KT, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đã có những bước phát triển quan trọng. Hệ thống Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp trong công tác chỉ đạo, phối hợp hoạt động. Hàng năm, các tổ chức Hội tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nội dung tập trung vào việc quán triệt Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KH-KT, xây dựng xã hội học tập; nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo, công tác KH-KT, xây dựng xã hội học tập cùng truyền thống hiếu học của quê hương, những gương sáng trong phong trào KH-KT…
Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên thường xuyên vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực hoạt động khuyến học, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ xây dựng tổ chức Hội Khuyến học vững mạnh, gắn nội dung KH-KT, xây dựng xã hội học tập với nội dung các cuộc vận động, các phong trào hoạt động của tổ chức thành viên, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm công tác giáo dục. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về thực hiện xây dựng xã hội học tập. Trong đó, Hội Khuyến học tỉnh, huyện phối hợp với các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể về đẩy mạnh các hoạt động KH-KT, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở; đồng thời liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường; tăng cường vận động gây quỹ khuyến học nhằm hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.
Việc xây dựng phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập đã trở thành một mô hình hiệu quả của phong trào học tập suốt đời, là nhân tố quan trọng để phát huy phong trào KH-KT xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 75% đảng viên trong toàn tỉnh tham gia tổ chức Hội. Tỉnh đã có trên 450 nghìn gia đình đăng ký gia đình học tập, trong đó có 66% gia đình được công nhận. Hơn 4.600 dòng họ đăng ký mô hình “dòng họ học tập”, trong đó có 75,8% dòng họ được công nhận; hơn 3.500 thôn, xóm, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập, trong đó có 74% đã được công nhận. Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, xóm, tổ dân phố; đã xuất hiện nhiều mô hình KH-KT, xây dựng Quỹ Khuyến học hoạt động có hiệu quả.
Để xây dựng xã hội học tập, sớm đưa tỉnh trở thành tỉnh học tập, trong thời gian tới cần có sự quan tâm lãnh đạo hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành có liên quan, cùng sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội để mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập suốt đời để có nghề, lao động hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng, phát triển gia đình, quê hương hạnh phúc, ấm no.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin