Cách đây 55 năm (năm 1969), trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Nam Định đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển tỉnh theo di huấn của Người “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bài học “phát huy nội lực, khơi dậy sức dân” là “chìa khóa” để Nam Định trở thành “quán quân” trong xây dựng nông thôn mới (NTM); địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu là tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Cảnh quan hồ Vị Hoàng (thành phố Nam Định). |
“Lời Người - Lời của Nước non”
Tháng 8-2002, phóng viên Báo Nam Định vinh dự được gặp gỡ và trò chuyện với đồng chí Vũ Kỳ - nguyên là Thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ năm 1945-1969) về văn kiện “Tuyệt đối bí mật” (Di chúc của Bác).
Đồng chí Vũ Kỳ xúc động cho biết: “Nam Định là vùng quê mà tôi có nhiều kỷ niệm những lần theo Bác Hồ về thăm và làm việc tại tỉnh. Thông qua Báo Nam Định, tôi muốn được chia sẻ với nhân dân của mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, “nhân kiệt, địa linh” những kỷ niệm cao đẹp về Bác Hồ, về những năm tháng kháng chiến cứu quốc trường kỳ, gian khổ nhưng anh dũng hào hùng. Qua đó, chúng ta càng biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hy sinh tất cả cuộc đời vì nước, vì dân; cùng nhau thắp sáng truyền thống ái quốc, chung sức, chung lòng đưa đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh, phát triển. Đó là căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước…”.
Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: Bác Hồ có ý định viết Di chúc từ những năm 60, sau khi Người dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế ở Mát-xcơ-va trở về. Trước khi viết Di chúc, Bác đã về Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương) thăm vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi vào ngày 15-2-1965. Chính trong thời gian này, không quân Mỹ ồ ạt đánh phá miền Bắc. Vận mệnh dân tộc ta lại đặt trước một thử thách nghiêm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đến Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi không phải là ngẫu nhiên. Ở tuổi 75, Bác Hồ hiểu rõ tình hình sức khỏe của mình và sự nghiệp cách mạng lâu dài, gian khổ mà dân tộc Việt Nam sẽ phải vượt qua.
“Hơn 20 năm được sống cạnh Bác và giúp việc cho Bác, tôi luôn suy nghĩ về điều này. Nguyễn Trãi - Hồ Chủ tịch, hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn, và bao trùm lên tất cả là gặp nhau ở niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân. Trong “Bình Ngô Đại cáo”, Nguyễn Trãi khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của bậc vĩ nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng cao lên một lý tưởng mới: “Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” - Ông Vũ Kỳ xúc động kể.
Trước tình hình đất nước và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, Hồ Chủ tịch đã quyết định viết Di chúc. Đó là ngày 10-5-1965. Bác chọn vào một ngày tháng 5, nhân ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn vào lúc khỏe mạnh nhất để viết về ngày “ra đi” của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong 5 ngày thì cơ bản xong bản soạn thảo. Trước khi đánh máy tập tài liệu “Bí mật tuyệt đối”, Bác dặn tôi, “Cứ đến ngày 10 tháng 5 sang năm, chú lại đưa cho Bác nhé!”.
Ông Vũ Kỳ nhớ lại: Tôi là người có vinh dự được đọc bản Di chúc của Người - khi Bác vừa viết xong. Và tôi đã bật khóc khi mỗi lần đọc đến câu: “… Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”. Tôi thầm nhủ “Dân vi quý” (Lợi ích của nhân dân là trên hết…) là tấm lòng, là trái tim, là mục đích phấn đấu suốt cuộc đời của Hồ Chủ tịch. Từ thư gửi Hội nghị hòa bình Véc-xây năm 1919 đến Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, từ “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước” đến “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”… tất cả, sức lực và trí tuệ, nỗi lo và niềm vui, những ngày căng thẳng, những đêm trằn trọc…, Bác đều hướng vào một mục đích duy nhất: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”.
Cho đến khi Người biết mình tuổi đã cao mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn gian khổ, lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm vì dân, vì nước với lời dặn tâm huyết trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…”.
Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình để chăm lo cho nhân dân, cho non sông, đất nước. Di chúc của Hồ Chủ tịch là dòng nước mát lành mãi mãi góp phần làm cho non sông, đất nước ta trở thành mùa xuân bất tận.
Thực hành dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
Quán triệt, truyền đạt triển khai chuyên đề năm 2024: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” do Ban TVTU Nam Định tổ chức ngày 24-4, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú nêu rõ: Thực hành dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, tỉnh Nam Định luôn chú trọng nội dung, biện pháp thực hành dân chủ nhằm phát huy trí tuệ, sức lực của Đảng bộ và Nhân dân, góp phần làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc và của quê hương Nam Định.
Các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XV (năm 1997) đến nay đều khẳng định quan điểm nhất quán và nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Phát huy dân chủ; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dân chủ đến nay, Đảng bộ tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã cụ thể hoá các nội dung về thực hành dân chủ gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong những năm qua, thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Nam Định đã tập trung chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Tỉnh Nam Định đã sáng tạo, phát triển phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhờ đó đã phát huy mọi nguồn lực trong Nhân dân. Các nội dung trong xây dựng NTM được các địa phương công khai, tuyên truyền rộng rãi; tổ chức cho Nhân dân bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến, nhất là về phương án quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức cho các khu dân cư bàn bạc thấu đáo, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Nhân dân trên tinh thần tự nguyện, không quá sức dân, đồng thời hướng dẫn Nhân dân tự quản lý kinh phí, vật liệu, tự tổ chức hình thức thi công nên Nhân dân đã tích cực, hồ hởi hiến đất, đóng góp thêm tiền của, ngày công lao động, chung sức xây dựng NTM.
Năm 2019, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Số kinh phí huy động sức dân trong 5 năm từ 2016-2020 là 10.518 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 61,7% tổng kinh phí xây dựng NTM toàn tỉnh. Với phương châm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, công tác xây dựng NTM được tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 197/204 xã, thị trấn (chiếm 96,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao; 32 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Giao Thuỷ đang trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận đạt huyện NTM nâng cao năm 2023. Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt 5.883.216,4 triệu đồng.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ Nam Định thường xuyên quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội thông qua việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 31-5-2018 của Chính phủ. Trong 2 năm 2022-2023, trên 1.250 lượt hộ nghèo và 10.447 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi trên 792 tỷ đồng; 7.315 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi gần 519 tỷ đồng; 589 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn 22 tỷ đồng. Trong 5 năm (2016-2020), tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 157.579 lượt lao động, bình quân giải quyết việc làm mới cho khoảng 31,5 nghìn lượt người/năm; giai đoạn 2021-2023, bình quân giải quyết việc làm mới cho khoảng 33,8 nghìn lượt người/năm. Trong 2 năm 2022-2023, hỗ trợ học nghề cho 602 người nghèo, người cận nghèo, kinh phí hỗ trợ 2 tỷ 41 triệu đồng. Miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 33.620 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí 11 tỷ 767 triệu đồng. Hàng năm, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách với 44 nghìn người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số kinh phí trên 1.000 tỷ đồng/năm. Trong 2 năm (2022-2023), toàn tỉnh đã cấp 21.213 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, 147.527 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; số người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí 795.842 lượt người, kinh phí thực hiện 370.479 triệu đồng.
Năm 2024, cấp uỷ các cấp tập trung chỉ đạo đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân hàng năm, hàng quý, thành chuyên đề sinh hoạt tại chi bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa (XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chăm lo đời sống Nhân dân gắn với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về năng lực, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân kết hợp với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin