Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động phức tạp; đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tiến độ xây dựng cầu vượt sông Đào (thành phố Nam Định). |
Tuy nhiên, theo đồng chí PHẠM GIA TÚC, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các Nghị quyết, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà tỉnh Nam Định đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025?
Đồng chí Phạm Gia Túc: Giai đoạn 2021-2023, Nam Định có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 8,8%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Tổng số vốn đăng ký đầu tư từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023 đạt hơn 108.353 tỷ đồng và 467,4 triệu USD, vượt chỉ tiêu Đại hội. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, ước năm 2023, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,5%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,5%, tăng 5% so với năm 2020. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, so với năm 2020, tổng sản phẩm GRDP năm 2023 ước tăng gấp 1,3 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,4 lần; tổng giá trị hàng xuất khẩu gấp 1,4 lần; vốn đầu tư toàn xã hội gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 1,6 lần.
Tiếp tục kế thừa, phát huy thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, Nam Định từng bước thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Tỉnh đã có 190/204 xã, thị trấn (93,1%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội và 22/188 xã (11,7%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đồng thời, Nam Định cũng tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn có ý nghĩa chiến lược, khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; Tỉnh lộ 488B, 485B; bệnh viện đa khoa tỉnh; tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển; cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng…
Nửa nhiệm kỳ qua, Nam Định đạt nhiều kết quả nổi bật về thu hút đầu tư. Từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 179 dự án (gồm 139 dự án đầu tư trong nước, 40 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 108.353 tỷ đồng và 496,1 triệu USD; tổng vốn đầu tư đăng ký đã vượt mục tiêu thu hút vốn của cả giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các dự án lớn, trọng điểm như tổ hợp dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng; một số dự án FDI lớn của các tập đoàn Quanta, Sunrise Material và JiaWei với tổng mức đầu tư 320 triệu USD.
Nam Định cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ với diện tích gần 14.000 ha.
Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục giữ vững thành tích gần 30 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao, trong 9 năm tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, Nam Định có 6 năm đứng thứ nhất, 2 năm đứng thứ nhì cả nước.
Các công tác quốc phòng, an ninh trật tự, an sinh xã hội được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Ðảng bộ tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh; năng lực lãnh đạo ngày càng được củng cố, nâng cao, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 94,43% và 89,96%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những khó khăn ảnh hưởng tới kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết? Bài học kinh nghiệm thực tiễn khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ mà tỉnh Nam Định rút ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay?
Đồng chí Phạm Gia Túc: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến khó lường đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân Nam Định. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được triển khai quyết liệt, tuy nhiên kết quả thực hiện tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu. Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng còn chậm, nhất là thủ tục liên quan đến dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở trong việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh có lúc chưa sâu sát, kịp thời; chất lượng tham mưu của một số sở, ngành, địa phương có lúc chưa linh hoạt, còn chung chung, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Để khắc phục những vấn đề này, tỉnh Nam Định đã tổ chức sơ kết đánh giá, đúc rút một số bài học kinh nghiệm nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết.
Một là, phải quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh phù hợp thực tiễn địa phương; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; giữ vững sự đoàn kết thống nhất, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hai là, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; nhận diện kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đề ra giải pháp tháo gỡ.
Ba là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương và sự phối hợp của các địa phương; phát huy nguồn lực nội sinh, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thực hiện xã hội hóa các nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức đầu tư; sử dụng minh bạch, hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm đúng quy định.
Bốn là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm bảo đảm hài hòa, cân đối phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa-xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thường xuyên chăm lo công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để chủ động ngăn ngừa vi phạm, khuyết điểm; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng nhân rộng các mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo thành phố Nam Định kiểm tra hệ thống đài phun nước trong Quảng trường Hòa Bình. |
Phóng viên: Thưa đồng chí, để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã đề ra các giải pháp đột phá cụ thể như thế nào?
Đồng chí Phạm Gia Túc: Mục tiêu quan trọng mà Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Trước hết, Nam Định thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án, công trình trọng điểm, đến nay cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, là động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, Nam Định tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số. Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đạt kết quả cao.
Tỉnh ủy Nam Định cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với nhiều dự án trọng điểm, tạo diện mạo mới về cảnh quan kiến trúc và động lực tăng trưởng cho thành phố; ưu tiên bố trí các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, từng bước xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị thông minh.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí
Theo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin