Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2023): Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

18:52, 16/11/2023

Những ngày này, các khu dân cư trong tỉnh đang tưng bừng, phấn khởi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) với nhiều hoạt động thiết thực, sinh động. 20 năm qua, việc tổ chức Ngày hội luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, trở thành đợt sinh hoạt xã hội rộng rãi ở cộng đồng dân cư, một nét đẹp văn hóa, từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Tiết mục văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn Đông Chiền, xã Hồng Quang (Nam Trực).
Ảnh: Viết Dư
Tiết mục văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn Đông Chiền, xã Hồng Quang (Nam Trực). 

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở khu dân cư trong tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận, chính quyền, các tổ chức thành viên, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân tạo nên điểm nhấn rõ nét trong hoạt động của cộng đồng. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn đã bám sát vào hướng dẫn của huyện, tỉnh, chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Ngày hội ở đơn vị mình; đồng thời hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với chính quyền và các thành viên chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Ngày hội đảm bảo đầy đủ nội dung, yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế ở từng khu dân cư. Điểm nổi bật trong công tác phối hợp tổ chức Ngày hội đó là việc chính quyền và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp với Mặt trận, đặc biệt là Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư tổ chức bình xét và đề nghị công nhận các danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; phối hợp tổ chức phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua; bình xét đề nghị các cấp, ngành khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và huy động các nguồn lực cho việc tổ chức Ngày hội; tu bổ, sửa chữa, xây mới các khu sinh hoạt tập trung của cộng đồng dân cư. Đến nay, 96% khu dân cư trên địa bàn tỉnh được quan tâm xây dựng nhà văn hóa khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức Ngày hội và nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho nhân dân; 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội, trong đó 86% khu dân cư tổ chức Ngày hội có cả phần lễ và phần hội, trên 60% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng dân cư. Các khu dân cư trong tỉnh đã tổ chức trao thưởng cho trên 2.900 tập thể tiêu biểu và trên 33.600 gia đình, cá nhân tiêu biểu trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.

Điển hình như tại huyện Xuân Trường, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được tổ chức rộng khắp ở 179 khu dân cư đã tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, xây dựng các gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Chùa tinh tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu”… Nhiều khu dân cư đã tổ chức khởi công xây dựng, khánh thành Nhà đại đoàn kết; trao tặng các danh hiệu gia đình văn hóa; tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và hoạt động xã hội; trao tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn..., các hoạt động khuyến học, khuyến tài, trao tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó... Trong 20 năm qua, toàn huyện đã xây dựng được 407 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 514 nhà; trao tặng 20 nghìn danh hiệu gia đình văn hóa; khen thưởng trên 4.000 hộ gia đình tiêu biểu. Tại huyện Trực Ninh, việc tổ chức Ngày hội đã khơi dậy mọi nguồn lực từ mỗi con người, gia đình, cộng đồng khu dân cư, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở để tạo nên sức mạnh chung của cả cộng đồng dân cư. Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động các nguồn đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hơn 608 tỷ đồng. Nhân dân còn hiến 324,33ha đất trị giá trên 648 tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động…

Thông qua Ngày hội đã nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát huy vai trò tự quản của nhân dân ở cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; khích lệ nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh; tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ năm 2011 đến năm 2019, nhân dân đóng góp 3.755 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong 2 năm 2021-2022, nhân dân đóng góp xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đạt 2.077 tỷ đồng. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động được 75 tỷ 701 triệu đồng, hỗ trợ xây mới 4.028 Nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 3.204 nhà; tổ chức thăm và tặng 370.824 suất quà cho người nghèo, các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách... Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế, các hộ dân đã huy động gần 86 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Các hộ gia đình và nhân dân đã tự nguyện góp 2.897ha đất nông nghiệp và hiến 206ha đất thổ cư (tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi. Thông qua nguồn huy động đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM, tỉnh đã sử dụng 1.553 tỷ đồng để xây dựng 870km đường giao thông, 385km đường giao thông nội đồng, xây nhà văn hóa xã, nhà văn hóa khu dân cư, công trình môi trường, trường học; mua sắm, trang bị cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế, trường học, nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhân dân về khám bệnh, phòng dịch, học tập và phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở cộng đồng dân cư…

Từ việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy ý chí, quyết tâm cống hiến của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng quê hương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các địa phương, của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 685 khu dân cư kiểu mẫu; bình quân mỗi năm có trên 90% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 80% số khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa. Đời sống nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần./.  

Bài: Lam Hồng
Ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com