Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ VIIi-2023: Dân vận khéo trong công tác hoà giải ở cơ sở (kỳ 2)

23:45, 11/05/2023

Dân vận khéo trong công tác hoà giải ở cơ sở (kỳ 1)

(Tiếp theo và hết)

Kỳ II: Phát huy hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” 

Toàn tỉnh hiện có 3.550 tổ hòa giải với 21.088 hòa giải viên cơ sở, 100% thôn, xóm, tổ dân phố có tổ hòa giải, mỗi tổ hòa giải trung bình có từ 5-7 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Để đội ngũ hòa giải hoạt động hiệu quả, các xã, phường, thị trấn luôn chú trọng thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở như: Xây dựng tổ hòa giải; xác định rõ trách nhiệm của Mặt trận và chính quyền các cấp trong tổ chức hoạt động này... Hàng năm, Sở Tư pháp chủ động xây dựng các văn bản, kế hoạch tham mưu, đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hòa giải viên; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về hoà giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành và hàng trăm tin, bài giới thiệu các văn bản chính sách pháp luật mới, các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương và của tỉnh để phục vụ công tác tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn thường xuyên duy trì các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về hỏi - đáp pháp luật; cập nhật các tin, bài, tài liệu, video, hình ảnh về hoạt động hoà giải ở cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức và phối hợp tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải cho đội ngũ tập huấn viên các cấp; cử tập huấn viên cấp tỉnh tham gia các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức. Đội ngũ tập huấn viên và hoà giải viên ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn có đủ năng lực, kiến thức, phương pháp hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải ở cơ sở và luôn bám sát vào tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để tư vấn, thực hiện các hoạt động hoà giải theo đúng quy định của pháp luật.

Nông thôn mới xã Xuân Trung (Xuân Trường).
Nông thôn mới xã Xuân Trung (Xuân Trường).

Bên cạnh đó, công tác dân vận của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; tổ chức nhiều hoạt động xã hội hướng về cộng đồng, cơ sở có ý nghĩa thiết thực; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo”, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng, đời sống đoàn viên, hội viên và nhân dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND và các cơ quan của cấp uỷ cùng cấp xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội; tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI); đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” của các cấp, các ngành, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.545 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; trong đó có 2.066 mô hình tập thể, 1.479 điển hình cá nhân. Tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hóa; giảm nghèo bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh trật tự; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Với sự phối hợp của các cấp, các ngành, công tác dân vận khéo trong hòa giải ở cơ sở đã có bước chuyển biến rõ rệt, góp phần tích cực vào việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giảm bớt các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả hòa giải ở cơ sở vẫn còn những hạn chế, nhất là khi công tác hòa giải ở cơ sở chưa được một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã quan tâm đúng mức. Công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, cấp kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, việc thực hiện các thủ tục hành chính về công tác hòa giải, chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở một số nơi chưa cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong công tác quản lý Nhà nước và đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; chưa quan tâm chỉ đạo, có giải pháp để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn. Sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác hòa giải ở cơ sở đôi lúc chưa thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa được UBND cấp huyện quan tâm tổ chức thực hiện mà chủ yếu trông chờ vào Sở Tư pháp tổ chức. Trong khi theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đây là nhiệm vụ của UBND cấp huyện… Để khắc phục những hạn chế trên cần có hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác này, nhất là trong thực tiễn, để từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên. Vấn đề quan trọng vẫn là việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng dân vận trong công tác hòa giải và cung cấp tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên. Cùng với đó là nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác dân vận và hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, nhất là sự quan tâm của chính quyền cấp huyện. Có các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện từng địa bàn, và nhân rộng các mô hình hay, cách làm có hiệu quả; khuyến khích các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các xã, phường, thị trấn. Kịp thời khen thưởng đối với tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác nhằm biểu dương, động viên, khích lệ hòa giải viên và tổ hòa giải tiếp tục đóng góp tích cực cho công tác hòa giải, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở

Với các giải pháp tích cực, đồng bộ, hy vọng trong thời gian tới những khó khăn trong công tác hòa giải ở cơ sở sẽ được khắc phục để công tác hòa giải tiếp tục khẳng định, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa trên cơ sở lồng ghép công tác dân vận và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, cơ quan dân vận góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, gần dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.

Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com