Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng địa phương trên địa bàn huyện.
Một số bài viết của tập thể, cá nhân huyện Ý Yên tham dự Cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” do Tỉnh ủy Nam Định phát động. |
Bám sát Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên đã chỉ đạo quán triệt Chỉ thị đến các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng của các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện; đôn đốc, kiểm tra, phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn sưu tầm, biên soạn, soạn thảo đề cương, hình thành ý tưởng các công trình lịch sử Đảng cho các xã, thị trấn và cơ quan của huyện. Trên cơ sở đó, hàng năm, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như bố trí cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục giảng dạy lịch sử Đảng. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho mỗi xã, thị trấn 20 triệu đồng phục vụ việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương; các xã, thị trấn bố trí kinh phí cho một công trình lịch sử đã in ấn, xuất bản trung bình trên 100 triệu đồng. Nhiều xã, thị trấn đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động hàng chục triệu đồng phục vụ cho việc in ấn, phát hành cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động để khai thác tư liệu phục vụ công tác lịch sử Đảng như: hội thảo, gặp gỡ, trao đổi với các nhân chứng từng thời kỳ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội... Trong đó, những tháng đầu năm 2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ” do Tỉnh ủy Nam Định phát động. Cuộc thi đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức tốt việc phát động nhân dân, cán bộ, công chức, học sinh tham gia cuộc thi. Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện, toàn huyện đã có tổng số 26.683 bài dự thi.
Di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xã Yên Nhân. |
Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp và sự tham gia tích cực của các nhân chứng lịch sử, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng ở Ý Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2018 đến nay, toàn Đảng bộ huyện đã xuất bản được 36 đầu sách về lịch sử Đảng, về lịch sử mảnh đất và con người, biên niên ngành, kỷ yếu của ngành,… Trong đó, ở cấp huyện đã hoàn thành việc sưu tầm, biên soạn, xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Ý Yên giai đoạn 1930-2000”; các Đảng bộ: Công an huyện, Quân sự huyện đã biên soạn cuốn Lịch sử; Đảng bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã biên soạn biên niên ngành và đang triển khai chỉnh lý đến giai đoạn hiện nay; một số cơ quan, đơn vị đang triển khai sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử hoặc kỷ yếu của ngành. Tất cả 31 xã, thị trấn đã biên soạn, xuất bản cuốn lịch sử đảng bộ địa phương. Các ấn phẩm trước khi xuất bản đều được thẩm định chu đáo đúng quy trình; nội dung, hình thức bảo đảm chất lượng. Sau khi phát hành, các cuốn lịch sử đã được phân bổ về cho các cơ sở, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cán bộ lão thành cách mạng... phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu, học tập để nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm góp phần xây dựng địa phương trong giai đoạn mới. Qua đó, nhiều đảng bộ xã, thị trấn đã đúc kết kinh nghiệm lịch sử, học hỏi, chọn lọc và áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng ở các địa phương hiệu quả hơn; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp ủy Đảng trong huyện tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú như: tích hợp vào tài liệu giáo dục địa phương, cuộc thi tìm hiểu, nghiên cứu thực tế, tổ chức tọa đàm, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền trực quan, phát sóng phóng sự tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nói chuyện về truyền thống cách mạng. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy trong các trường THCS và THPT, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên của thế hệ trẻ trong huyện.
Những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của huyện đã giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm rõ và hiểu hơn về lịch sử Đảng bộ huyện, địa phương và truyền thống ngành, đơn vị; khơi dậy lòng tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, cùng chung tay xây dựng huyện Ý Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng chí Nguyễn Huy Liệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ý Yên cho biết: “Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn huyện cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong huyện. Ở từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, bộ phận chuyên môn cần tích cực chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử ngành theo đúng kế hoạch và đúng quy trình hướng dẫn của cấp trên. Ban Tuyên giáo từ huyện đến cơ sở là cơ quan tham mưu giúp cấp ủy Đảng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu với các cấp uỷ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Khi triển khai nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục, xuất bản lịch sử, thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của cấp trên, có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trong tất cả các khâu, các bước từ việc nghiên cứu sưu tầm, toạ đàm, hội thảo, thẩm định nội dung, biên soạn và xuất bản đến việc phát hành, lưu trữ, tuyên truyền, giáo dục truyền thống./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin