Bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện nghị quyết về “Xây dựng và phát triển thành phố Nam Định”

08:55, 23/01/2023

Nguyễn Anh Tuấn
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định

Bước vào giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ thành phố có được những thuận lợi cơ bản, đó là: tình hình chính trị - xã hội ổn định; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân tiếp tục được phát huy; những thành tựu đạt được trong xây dựng, phát triển thành phố đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; truyền thống văn hóa, giáo dục, nguồn lực con người Thành Nam tiếp tục là nhân tố quan trọng cho sự phát triển. Cùng với đó, ngày 18-6-2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Đây là động lực quan trọng giúp thành phố có định hướng phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với quá trình phát triển thành phố Nam Định như: không gian đô thị đang đòi hỏi phải có được các giải pháp quy hoạch và quản lý phát triển trên cả 3 khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường. Về phát triển kinh tế đô thị, đòi hỏi phải làm tốt quy hoạch đô thị gắn với kinh tế đô thị và nguồn lực đầu tư trong khi thành phố Nam Định mặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc 10 năm trở lại đây; công nghiệp, thương mại, dịch vụ tuy chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế thành phố nhưng giá trị còn nhỏ. Phát triển không gian đô thị và hạ tầng đô thị; nâng cấp và cải tạo đô thị hiện hữu; mở rộng các đô thị vệ tinh; đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại; phát triển mạng lưới giao thông kết nối… còn nhiều khó khăn. Tình trạng về giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng cục bộ, thu gom xử lý rác thải và nước thải… đang là vấn đề cấp bách. Đây chính là những thách thức cho sự phát triển của thành phố Nam Định.

1. Những nỗ lực và thành quả đạt được

Đặc biệt năm 2022, thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao, biến động ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống xã hội. Bằng nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ, thành phố vừa tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố đã duy trì ổn định và có bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thành phố Nam Định phấn đấu 100% phường đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024.
Ảnh: Hoàng Tuấn

Thành phố Nam Định phấn đấu 100% phường đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2024.

Ảnh: Hoàng Tuấn

 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý đạt 20.946 tỷ đồng, tăng 15,18% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 1.525 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ phát triển mạnh với các loại hình bán lẻ hiện đại, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phục vụ người tiêu dùng: các siêu thị lớn của các tập đoàn, công ty bán lẻ như GO!, Co.opMart, Nguyễn Kim, MediaMart... Một số thương hiệu đã đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Thế giới sữa, Minmart, Thành Nam Food... Năm 2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 19.406 tỷ đồng, tăng 14,76% so với năm 2021. Ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp đô thị, phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của các xã ngoại thành như: trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, nông nghiệp sinh thái... cung ứng cho khu vực đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Năm 2022 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.992,909 tỷ đồng, đạt 167% dự toán được giao.

 Thành phố đã hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050. Các dự án được triển khai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối các khu vực trong thành phố, đặc biệt là khu vực hai bên bờ sông Đào; kết nối linh hoạt giữa các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai. Vốn đầu tư trên địa bàn tăng 12,57% so với cùng kỳ. Một số dự án, công trình có tính điểm nhấn về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan được đưa vào sử dụng như: Cải tạo, nâng cấp cảnh quan hồ Vị Hoàng; hè đường các tuyến phố nội thành; dự án xây dựng đường trục trung tâm phía nam thành phố Nam Định; dự án xây dựng đường gom Quốc lộ 10; khởi công cầu, đường qua sông Đào; cải tạo quảng trường Hòa Bình; các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư mới: Nguyễn Công Trứ, Lương Thế Vinh, Liên Hà, Lộc Vượng; xây dựng các trường tiểu học: Nguyễn Tất Thành, Nam sông Đào, Trường Mầm non Nam Phong, Mầm non Hoa Hồng; cải tạo các trường tiểu học: Phạm Hồng Thái, Nguyễn Viết Xuân... nghiên cứu cải tạo chung cư cũ, khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh. Thành phố Nam Định là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ; hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ 4. Bộ phận một cửa của thành phố và 25 xã, phường đã triển khai việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội. Tích cực xây dựng hệ thống giáo dục đạt chuẩn. Đến nay thành phố có 43 trường đạt chuẩn quốc gia, 40 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Cùng với việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thành phố luôn quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các phong trào, hoạt động văn hóa, tinh thần được triển khai sâu rộng và đạt được hiệu quả tích cực. Mạng lưới y tế từ thành phố tới phường, xã được tập trung đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Công tác thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực.

2. Mở hướng tương lai

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, có tính đột phá và quyết định với mục tiêu: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh. Nhiều chỉ tiêu đã được xác định cụ thể gắn liền với các chương trình hành động để tổ chức thực hiện. Đứng trước cơ hội phát triển và thách thức, thành phố xây dựng các giải pháp có tính “đột phá” trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố:

 1. Xây dựng thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển. Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với khai thác tuyến đường trục vành đai 1, đường trục mới song song Quốc lộ (QL) 21B nhằm phát triển đô thị đại học, sản xuất công nghiệp, trung chuyển hàng hóa.

Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động trên địa bàn thành phố Nam Định.
Ảnh: Việt Thắng

Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động trên địa bàn thành phố Nam Định.

Ảnh: Việt Thắng

 2. Xác định công nghiệp, thương mại, dịch vụ là các “mũi nhọn” kinh tế. Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao như là: cơ khí chế tạo, điện - điện tử; hóa - dược, công nghệ sinh học... Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, vận tải, logistics, khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí… Thúc đẩy phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi và xây dựng môi trường kinh doanh số. Tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý xã hội.

3. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia. Kết nối đồng bộ và khai thác QL21, 21B, 38B (kết nối thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc); QL10, 38B (kết nối với các tỉnh phía Nam); QL10, 21, 21B (kết nối với Khu kinh tế Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh đường ven biển). Đẩy nhanh tiến độ công trình xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi và xây dựng tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến QL21B. Đây là 2 dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối 7 huyện phía nam của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía nam sông Đào.

4. Phát triển các khu đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, thu hút tăng trưởng, góp phần tạo nền tảng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bổ sung những không gian công cộng mới, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị như: Hòa Vượng, Dệt May, Thống Nhất, Nam Sông Đào, Bãi Viên. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư mới như: Nguyễn Công Trứ, Lương Thế Vinh; Liên Hà; Lộc Vượng; Đông Phong - Địch Lễ; Vạn Diệp - Nam Phong; Lương Xá - Phú Ốc - Lộc Hòa… Với quỹ đất và dân số theo định hướng phát triển sẽ là sức hút các nguồn lực đầu tư, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, bước vào năm mới Quý Mão thành phố Nam Định kỳ vọng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com