Phát huy vai trò đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp

08:04, 24/04/2019

Hiện nay, ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, cùng với gia đình, giáo viên chủ nhiệm lớp còn là “cầu nối” giữa ban giám hiệu, giáo viên bộ môn với tập thể học sinh lớp chủ nhiệm. Vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt công tác chuyên môn trong các giờ lên lớp, giáo viên chủ nhiệm còn là người tổ chức các hoạt động giáo dục, quan tâm tới từng học sinh, chăm lo việc rèn luyện đạo đức, hành vi và những biến đổi về tâm sinh lý của các em, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của học sinh với ban giám hiệu nhà trường, với giáo viên bộ môn và gia đình. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp còn phải làm tốt vai trò cố vấn cho học sinh tổ chức mọi hoạt động trên lớp, hoạt động ngoài giờ để các em phát triển toàn diện cả về tri thức, nhân cách.

Cô giáo Lê Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực).
Cô giáo Lê Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực).

Theo quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo, thời lượng công tác chủ nhiệm lớp chiếm 3-4 tiết/tuần. Tuy nhiên, thực tế công việc của chủ nhiệm lớp chiếm gấp nhiều lần thời lượng ấy do phải bảo đảm cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp, lồng ghép, tích hợp dạy kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, tham gia họp hành, hội thi, phong trào, thu học phí, bảo hiểm y tế... cùng với nhiều công việc khác liên quan. Đặc biệt, ở bậc tiểu học, học sinh rất trong sáng, ngây thơ; các em có thể tiếp thu những điều tốt, nhưng cũng dễ dàng lây nhiễm những cái xấu nên việc giáo dục đạo đức càng đóng vai trò quan trọng. Để làm tốt điều này, giáo viên chủ nhiệm lớp phải có cái nhìn tinh tế, bao quát, phải nắm được tâm tư tình cảm, tâm lý, tâm tính của mỗi em thông qua việc quan sát, tìm hiểu qua bạn bè, gia đình để biết được các em đang nghĩ gì, cần gì; từ đó có được những biện pháp giáo dục phù hợp. Cô giáo Lê Thị Cẩm Vân, Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực), người vừa đoạt giải Nhất tại hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học toàn tỉnh cho biết: “Để làm tốt công tác chủ nhiệm, mỗi giáo viên phải có cái nhìn tinh tế, bao quát đối với lớp, phải nắm được tâm tư tình cảm, tâm lý, tâm tính của mỗi em thông qua nhiều biện pháp như: quan sát, tìm hiểu qua bạn bè, gia đình,… và đôi khi phải tâm sự với các em, để biết các em đang nghĩ gì và cần gì; từ đó có biện pháp phù hợp để giúp đỡ, giáo dục đạo đức và tinh thần học tập thiết thực. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như: tổ chức thực địa, thực tế, tham quan, cắm trại, hội thảo, câu lạc bộ; diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa, thực hành lao động việc nhà, việc trường, hoạt động xã hội - tình nguyện. Các hoạt động này có tác dụng nhiều mặt, giúp các em phát triển toàn diện, hình thành các kỹ năng sống giao tiếp, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện tinh thần đồng đội, biết chia sẻ, cư xử thân thiện, biết giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột… và phát triển những phẩm chất tốt đẹp như: tính kiên trì, trung thực, biết nhường nhịn, biết cư xử đẹp khi thắng thua…”.

Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm ở các trường học vẫn còn bất cập. Nhiều giáo viên khi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp thiếu sự quan tâm, tìm hiểu tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh, nên khi học sinh có những diễn biến thay đổi tâm lý lứa tuổi, thiếu kỹ năng sống giáo viên chủ nhiệm không phát hiện và uốn nắn kịp thời. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận thông tin từ học sinh, nhiều giáo viên chủ nhiệm không kịp thời xử lý tình huống từ các em, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính khách quan, trung thực của dư luận, ý kiến của tập thể học sinh. Hiện nay, khi ngành Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường, sự vất vả của giáo viên chủ nhiệm lại tăng lên. Do khối lượng công việc nhiều, số giờ dạy trên lớp của giáo viên chủ nhiệm được giảm không đáng kể nên không khuyến khích được sự nhiệt tâm, trách nhiệm. Một số cán bộ quản lý ở các nhà trường còn coi trọng hiệu quả công tác quản lý lớp của giáo viên chủ nhiệm thông qua đánh giá xếp loại giáo viên. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên; khuyến khích các đơn vị bình bầu, suy tôn danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, tạo các phong trào thi đua, tìm tòi, học hỏi, chăm lo công tác giáo viên chủ nhiệm, khuyến khích giáo viên chủ nhiệm lớp viết sáng kiến kinh nghiệm. Mặt khác, các trường sư phạm cần chú trọng dạy kỹ năng chủ nhiệm lớp cho sinh viên, để sau khi ra trường, giáo viên có thể trở thành giáo viên chủ nhiệm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com