Ngay từ năm 2016, các sở GD và ĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ để đáp ứng chương trình giáo dục tiểu học mới và yêu cầu đổi mới dạy học môn tiếng Anh ở trường tiểu học theo mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và triển khai đại trà Chương trình tiếng Anh 10 năm từ năm 2018. Đó là kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vừa được thông báo.
Ảnh minh họa/Internet. |
Theo đó, đối với cấp tiểu học, tất cả học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 đều học tiếng Anh 4 tiết/tuần (kể cả trường dạy học 1 buổi trong ngày). Các sở GD và ĐT thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển đủ số giáo viên tiếng Anh để thực hiện dạy cho tất cả học sinh tiểu học từ năm học 2018-2019; có thể sử dụng giáo viên tiếng Anh dạy chung cho nhiều trường quy mô nhỏ hoặc gắn trường nhỏ với trường lớn. Tổ chức rà soát lại đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang dạy cấp THCS, THPT theo yêu cầu của khung năng lực ngoại ngữ; nếu có dôi dư, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học để tăng cường giảng dạy tiếng Anh ở trường tiểu học.
Có thể sử dụng sinh viên tiếng Anh năm cuối của các cơ sở đào tạo giáo viên tham gia thực hiện một số hoạt động hỗ trợ công việc dạy học/giáo dục tại các trường tiểu học trên cơ sở hợp đồng theo kế hoạch cụ thể giữa cơ sở đào tạo và trường tiểu học (vừa hỗ trợ sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vừa góp phần giúp địa phương tháo gỡ khó khăn khi chưa có đủ giáo viên tiếng Anh).
Để giải quyết đồng bộ giáo viên tiếng Anh ở cả 3 cấp học trên địa bàn, cần tổ chức bồi dưỡng “cuốn chiếu” theo cụm trường hoặc theo quận/huyện/thị xã/thành phố. Nơi nào giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định thì có thể tạm dừng việc dạy học tiếng Anh để giáo viên có thời gian tham gia bồi dưỡng tập trung. Hợp đồng chặt chẽ với các trường sư phạm để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng; cần lựa chọn đơn vị bồi dưỡng riêng với đơn vị đánh giá đầu vào, đánh giá đầu ra để đảm bảo chất lượng bồi dưỡng./.
Theo SGGP