Tập trung triển khai các phương pháp giáo dục mới cho học sinh tiểu học

09:04, 11/04/2016
Những năm gần đây, ngành GD và ĐT tỉnh đã tích cực triển khai các phương pháp giáo dục mới cho học sinh tiểu học, trong đó tập trung đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, cách đánh giá, phân loại học sinh và đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện ở bậc học.
Cô và trò Trường Tiểu học A Trực Đại (Trực Ninh) trong một giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học A Trực Đại (Trực Ninh) trong một giờ học.
Năm học 2015-2016, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo các phòng GD và ĐT tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên bảo đảm tốt các điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Về nội dung giảng dạy, các nhà trường đã bố trí thời gian và nội dung hợp lý đối với các hoạt động dạy học và giáo dục để thực hiện chương trình và sách giáo khoa theo quy định cho mỗi lớp; thực hành vận dụng kiến thức đã học và tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương; học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, dạy học các môn tự chọn, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa… Ngành GD và ĐT tỉnh cũng triển khai nghiêm túc các chương trình mô hình trường học mới (VNEN) tại 142 trường tiểu học (chiếm 48,63%). Việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo mô hình VNEN đã tạo được không khí vui tươi và thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học, tăng cường mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng. Học sinh bước đầu bắt nhịp được với hình thức học tập mới. Vì thế, các em đã tích cực, tự giác hơn trong học tập; bước đầu biết tự học, trao đổi thảo luận; có tiến bộ trong giao tiếp, hợp tác, hỗ trợ nhau trong học tập. Ngành cũng tiếp tục triển khai dạy học Mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch, dạy tiếng Anh, dạy học theo định hướng phát triển năng lực các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội, đổi mới đánh giá, thực hiện tốt công tác phổ cập, hoạt động ngoài giờ lên lớp, áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế cho học sinh, đồng thời triển khai dạy môn Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD và ĐT. Ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án dạy học ngoại ngữ với 100% số trường và 100% học sinh khối lớp 3, 4, 5 được học môn tiếng Anh, trong đó một số trường được chọn dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học mới của Bộ GD và ĐT. Ngoài ra, ngành cũng khuyến khích các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tổ chức thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh lớp 2. Nhiều học sinh đã mạnh dạn tham gia và đã đạt giải tại các cuộc thi giải Toán qua internet, Ô-lim-pích tiếng Anh trên internet. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng được các nhà trường thực hiện đổi mới với các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, các buổi giao lưu… nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh và tạo cơ hội cho các em tham gia vào các hoạt động xã hội. Các trường đã tổ chức tốt các hoạt động tập thể dục, văn nghệ, múa hát tập thể và các trò chơi dân gian giữa giờ; tăng cường chăm sóc sức khỏe, vệ sinh răng miệng; tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc các công trình và di tích lịch sử, văn hóa, gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Các phòng GD và ĐT huyện, thành phố đều chỉ đạo các trường triển khai hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở bậc tiểu học đến từng giáo viên; tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm ở cấp trường, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về trách nhiệm, đạo đức nhà giáo để giáo viên có ý thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Trong đổi mới cơ sở vật chất trường, lớp, Sở GD và ĐT và các phòng GD và ĐT đã quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả như tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên diện tích, xây mới, tu sửa nâng cấp phòng học, phòng chức năng, mua sắm thêm thiết bị và phương tiện dụng cụ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Kết thúc học kỳ I năm học 2015-2016, Sở GD và ĐT đã công nhận 6 trường tiểu học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, công nhận mới 1 trường đạt chuẩn mức độ 1, 4 trường đạt chuẩn mức độ 2, công nhận lại 15 trường chuẩn mức độ 2, nâng số trường đạt chuẩn mức độ 2 lên 114 trường, số trường đạt chuẩn mức độ 1 trong toàn tỉnh hiện tại có 285 trường, đạt 97,27%. Nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành đã áp dụng việc đổi mới cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học dựa trên nguyên tắc coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, không tạo áp lực cho giáo viên và học sinh. 
 
Việc tích cực triển khai các phương pháp giáo dục mới cho học sinh tiểu học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa bậc học giáo dục tiểu học và ngành GD và ĐT tỉnh ngày càng phát triển, giữ vững danh hiệu là đơn vị đứng tốp đầu toàn quốc./.
 
Bài và ảnh:  Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com