Từ ngày 1 đến 31-3, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động có chủ đề “Mùa xuân nho nhỏ”, hướng tới các ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8-3, Quốc tế hạnh phúc 20-3. Các hoạt động có sự tham gia khoảng 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Ðăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Ðê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Ðắk Lắk, Sóc Trăng); huy động khoảng 15 nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La ngày 6 và 7-3-2021; khoảng 30 học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Các hoạt động trên đều Thực hiện các văn bản của cấp thẩm quyền về xác định theo các phương án phòng, chống dịch COVID-19.
Hòa nhạc “Hy vọng” mở màn cho mùa diễn năm 2021
Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam ngày 28-2 thông tin, sẽ tổ chức chương trình hòa nhạc chủ đề “Hy vọng”, mở màn cho mùa diễn 2021 vào 20 giờ ngày 12-3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình mang đến những tác phẩm, trích đoạn tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam và quốc tế thể hiện tinh thần đoàn kết, sự lạc quan, niềm tin và hy vọng vượt qua thách thức của dịch COVID-19, như: “Hy vọng” (Ðỗ Hồng Quân), “Song my mother taught me” (Dvorak), “Intermezzo” trong vở opera “Cavalleria Rusticana” (Mascagni), “Parigi o cara” trong vở opera “La Traviata” (Verdi),... Trong mùa diễn năm 2021, dàn nhạc sẽ tập trung thực hiện các chương trình hòa nhạc trực tiếp tại sân khấu và trực tuyến qua kênh Youtube, Facebook nhằm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc chất lượng tới công chúng.
Khám phá Việt Nam qua từng trang sách
“Khám phá Việt Nam” là cuốn sách ảnh vừa ra mắt độc giả của Nhà xuất bản Thanh niên do Tổng cục Du lịch giữ bản quyền. Mỗi phần của cuốn sách không chỉ giới thiệu tới bạn đọc cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nét văn hóa độc đáo, ẩm thực phong phú, mà còn khắc họa phong cách sống thân thiện, hiền hòa của con người ở những vùng đất này. Bên cạnh thông tin hữu ích, cuốn sách hấp dẫn bạn đọc bởi những hình ảnh đẹp, sống động do những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thực hiện, góp phần quảng bá hiệu quả bức tranh du lịch Việt Nam. Từ địa đầu Tổ quốc, trên rẻo cao Tây Bắc, du khách sẽ được khám phá những bức tranh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng của những dãy núi cao trùng điệp, những ngọn đồi uốn lượn, những đoạn đường đèo quanh co; nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, những đồi chè xanh, những thác nước bọt tung trắng xoá… Màu sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số ở những tỉnh vùng cao phía Bắc; sự phong phú, vẻ đẹp của các di sản, di tích ở khắp đất nước Việt Nam cũng gợi lên sự hấp dẫn của điểm đến, thu hút bước chân khách du lịch trong và ngoài nước. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch có thể đến thăm miền Tây mùa nước nổi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hệ thống rừng ngập mặn, những tràm chim rộng lớn, những cánh đồng thẳng cánh cò bay; hay ngồi thuyền lá len lỏi qua các kênh rạch, lên các miệt vườn cảm nhận cuộc sống miền sông nước. Vẻ đẹp của các vùng biển, đảo của Việt Nam hiện lên vô cùng lộng lẫy, ấn tượng qua những bức ảnh trong “Khám phá Việt Nam”.
Phát động Tuần lễ Áo dài 2021 trên toàn quốc
Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài 2021 trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 1 đến 8-3, các địa phương vận động cán bộ Hội LHPN Việt Nam, nữ công chức, viên chức, phụ nữ mọi lứa tuổi hưởng ứng mặc áo dài khi đến công sở, trường học, tham gia các sự kiện và hoạt động khác phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19, nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài và phụ nữ Việt Nam. Năm 2020, chuỗi sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống dân tộc./.
PV (tổng hợp)