Triển lãm “Cung đình đón Tết”, diễn ra từ 28-1 đến 23-2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sẽ giúp công chúng thưởng lãm, tìm hiểu những nghi lễ, phong tục ngày Tết của hoàng cung triều Nguyễn. “Cung đình đón Tết” giới thiệu đến công chúng 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, hiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) bảo quản.
Triển lãm tài liệu lưu trữ "Cung đình đón Tết" tái hiện lại một phần bức tranh Tết cung đình triều Nguyễn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Triển lãm được chia thành 3 chủ đề, gồm “Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng”, “Tất niên - tiễn năm cũ, đón năm mới” và “Đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ hiếu”. Các công việc chuẩn bị đón Tết, thỉnh các vị Tiên đế về ăn Tết với triều đình, tạm ngưng công việc triều chính, tiễn năm cũ, đón năm mới, chúc Tết trong cung, ban thưởng cho dân… được mô tả cụ thể trong từng loại tài liệu. Từ các tài liệu được trưng bày, có thể thấy nghi thức lễ Tết được giữ gìn, nhưng cũng có sự biến đổi linh hoạt qua từng năm. Trong trường hợp có thiên tai, mất mùa, hay địch họa, triều đình có thể giảm bớt các nghi lễ cho tiết kiệm, hoặc cũng có năm nhà vua ra chiếu cho người dân được nghỉ Tết lâu hơn để tái tạo sức lao động, hoặc ban thưởng cho quân sĩ đang canh giữ biên cương, hải đảo…
“Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”
Thông tin từ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 1-2 cho biết: Các hoạt động văn hóa với chủ đề “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra từ ngày 1-2 đến 28-2 tại Làng.
Đây là chuỗi hoạt động nhằm góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.
Trong khuôn khổ hoạt động “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra các lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, giới thiệu các món ăn truyền thống dịp năm mới, sản vật đặc trưng của từng dân tộc cùng các hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ… Điểm nhấn của tháng 2 là Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021, dự kiến diễn ra vào các ngày 27, 28-2 (tức là các ngày 16, 17 tháng Giêng năm Tân Sửu). Chương trình dân ca dân vũ “Khúc ca mùa xuân” gồm các hoạt động diễn xướng dân gian về mùa Xuân, Tây Nguyên khi mùa Xuân về. Du khách được giao lưu, tìm hiểu, về phong tục tập quán đón Tết của các dân tộc Tây Nguyên, trải nghiệm âm nhạc từ các nhạc cụ từ tre nứa, cồng chiêng Tây Nguyên.
Gửi Hồ sơ đề cử “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” là Di sản thế giới
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Hồ sơ đề cử di sản “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định. Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tháng 9 năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học đã được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO. Sau quá trình thẩm định, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B trình Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 38 ở Quatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: “Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (VII) và (VIII) và có thể là tiêu chí (X), để gộp cả Quần đảo Cát Bà”./.
PV (tổng hợp)