Đồ chơi là một “món ăn” tinh thần không thể thiếu của con trẻ. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thị trường đồ chơi trẻ em sôi động quanh năm, phong phú chủng loại, nguồn gốc. Cùng với đồ chơi sản xuất nội địa, đồ chơi ngoại nhập, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh thị trường, dù nhiều sản phẩm đã được cơ quan chức năng khuyến cáo không bảo đảm an toàn cho trẻ em đang được bày bán công khai.
Sản phẩm đồ chơi “Mèo tôm” được các cơ quan chức năng cấm lưu thông trên thị trường vẫn được bày bán tại sạp đồ chơi vỉa hè khu vực Khu đô thị Dệt may (thành phố Nam Định). |
Dạo qua các cửa hàng từ nhỏ lẻ bình dân đến các siêu thị, trung tâm thương mại chúng tôi nhận thấy, thị trường đồ chơi phục vụ nhu cầu của các “thượng đế nhí” có vô vàn sản phẩm với đa dạng mẫu mã, chất liệu, giá từ vài nghìn đến cả triệu đồng. Thị trường đồ chơi hiện ngày càng có nhiều cửa hàng chuyên doanh đồ chơi trí tuệ, cung ứng sản phẩm của nhiều hãng đồ chơi uy tín trong và ngoài nước dành cho những khách hàng có thu nhập từ mức trung bình khá trở lên. Bên cạnh đó, theo cơ quan Quản lý thị trường thì 90% đồ chơi trẻ em trên thị trường vẫn là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Nguy hại hơn, trong số đó có nhiều sản phẩm đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo cấm lưu thông trên thị trường như mèo Tôm, thú nhún, búp bê tắm bé; đồ chơi giá rẻ bán theo cân làm bằng nhựa tái chế; đồ chơi có tính bạo lực như súng bắn đạn, gươm, giáo… vẫn còn xuất hiện tại các quầy hàng. Nhiều đồ chơi trẻ em không được kiểm định chất lượng và dán tem CR, làm giả theo mô hình các sản phẩm “hot” của các hãng lớn. Trong khi đó đồ chơi trẻ em là mặt hàng thuộc diện phải quản lý theo quy chuẩn (QC Việt Nam 3:2009/BKHCN). Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải được các cơ quan kiểm định chất lượng, nếu đạt yêu cầu mới được phép nhập khẩu lưu thông trong nước. Đối với đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải được chứng nhận, công bố hợp quy mới được lưu thông trên thị trường. Chị Phạm Thị Phương, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: kết thúc năm học vừa qua, con trai đạt kết quả khá cao nên chị muốn thưởng cho cháu món đồ chơi theo nguyện vọng là bóng bàn phản xạ. Chị đã tìm hiểu tính năng và lựa chọn sản phẩm của hãng Flexxball với giá niêm yết 450 nghìn đồng. Tại thời điểm đó trên thị trường không có sản phẩm của hãng nên chị phải mua sản phẩm gần giống như thế với giá chỉ có 80 nghìn đồng. Tuy nhiên khi mua về nhà, kiểm tra, so sánh với sản phẩm chính hãng giới thiệu trên trang web thấy rõ tuy giống nhau về hình thức nhưng sản phẩm nhái không bám hút chắc chắn trên sàn; độ đàn hồi của dây nối quả bóng thấp nên không tạo cảm giác bung bật khi đánh bóng. Ngoài ra phần dây đàn hồi, chân đế cứng không cố định được trên sàn khiến cho món đồ dễ văng ngay khi đánh bóng gây nguy hiểm cho người chơi… Còn nhiều loại đồ chơi trên thị trường hình thức bắt mắt nhưng chất lượng không đảm bảo như thế. Băn khoăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn mua phải đồ chơi kém chất lượng cho con bởi: chỉ bằng cảm quan khó có thể biết được sản phẩm đồ chơi này có an toàn hay không cho sức khỏe của con mình khi mà nó vẫn được bày bán tràn lan, công khai. Cũng có phụ huynh tặc lưỡi mua vì chủ quan, nghĩ tâm lý trẻ em chóng chán, chỉ chơi một thời gian thì bỏ nên có hại cũng không nghiêm trọng (?!). Do vậy đồ chơi trẻ em kém chất lượng vẫn có cơ hội lưu thông trên thị trường.
Trước thực trạng đồ chơi kém chất lượng tràn lan trên thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em vào dịp cao điểm Tết Thiếu nhi; trước, trong và sau Tết Trung thu. Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em không chấp hành quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ em; chú trọng kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, nhập lậu; không chứng thực được nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em… Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, kịp thời đưa ra những khuyến cáo về danh mục các sản phẩm có thể gây hại đến sức khỏe con trẻ để cảnh báo người tiêu dùng. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng lưu ý đọc kỹ nhãn mác sản phẩm khi mua. Trong đó, chú ý những thông tin liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn cho trẻ em như: Nơi sản xuất (tên công ty, địa chỉ và một số thông tin liên hệ của công ty như website, số điện thoại, email); thành phần chính là nhựa hay gỗ, nhựa tái sinh hay nhựa nguyên sinh; chất phẩm màu nào được sử dụng, có an toàn không; lứa tuổi khuyến khích sử dụng đồ chơi… trước khi quyết định mua sắm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương