Làm giàu từ nghề nuôi dế mèn

05:08, 21/08/2020

Nhiều năm qua, gia đình ông Trần Tiến Mạc ở thôn Hóp, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) đã có thu nhập cao từ nghề nuôi dế mèn, trở thành một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương, ngoài ra còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục gia đình nông dân trong xã và nhiều địa phương khác.

Dế thương phẩm của gia đình ông Trần Tiến Mạc.
Dế thương phẩm của gia đình ông Trần Tiến Mạc.

Vốn là một nhà giáo, năm 2008, ông Trần Tiến Mạc về hưu và được con gái lớn đưa “duyên” đến với nghề nuôi dế. Thời gian đầu, do chỉ được tiếp cận với phương pháp nuôi thông qua hướng dẫn trên tivi và đọc sách tham khảo, dù nguồn giống được gia đình ông nhập từ Thái Lan, nhưng là một trong những người tiên phong trong việc nuôi dế nên việc học hỏi từ thực tế còn gặp nhiều khó khăn, thời kỳ đầu dế nuôi chết hàng loạt do dịch bệnh. Không nản chí, ông và con gái đã mày mò tìm thông tin qua internet, sang tìm hiểu các mô hình ở Thái Lan và hỏi ý kiến các chuyên gia. Với cách nuôi cũ bằng xô, chậu nhựa dù dế có sinh trưởng nhưng tốn kém, có thời điểm dế vẫn bị chết hết do ngậm nước bị nhiễm khuẩn. Ông quyết định thay bằng thùng xốp vừa rẻ tiền vừa có đặc tính giữ nhiệt tốt đảm bảo duy trì nhiệt độ cho trứng dễ nở, kết hợp dùng thùng giấy carton có tính năng hút ẩm, vì vậy việc nuôi và nhân giống được thuận lợi hơn. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông thay thế thùng nuôi hoàn toàn bằng gỗ. Tất cả các thùng đều được ông tự đóng với thiết kế nắp đậy bằng lưới, tạo độ thoáng, bên trong đặt lá cây khô hoặc vỉ đựng trứng gà, có hệ thống bóng đèn thắp sáng, quạt mát để tạo môi trường giống tự nhiên. Mỗi thùng có diện tích 2 mét vuông, cao 1 mét, có thể nuôi được trên 10kg dế. Nhờ áp dụng thành công cải tiến này, việc nuôi dế của ông đã đạt hiệu quả cao về số lượng, chất lượng, giảm thời gian chăm sóc, nhanh được xuất chuồng. Từ giống dế của Thái Lan, ông đã tự nhân và ổn định nguồn giống không chỉ cho gia đình và bán cho nhiều hộ nông dân nuôi dế ở khắp cả nước. Theo chia sẻ của ông Mạc, nghề nuôi dế mèn tương đối nhàn, không cần chăm sóc cầu kỳ, chủ yếu nắm được đặc tính sinh trưởng, điều kiện thời tiết, nguồn thức ăn… Trong đó, nguồn thức ăn nuôi dế cũng tương đối đơn giản, chỉ từ cám nghiền nhỏ và các loại rau củ như: rau muống, bắp cải, bí ngô, bột đậu tương, bột đậu xanh… Đặc biệt, chất thải từ côn trùng không đáng kể, không gây mùi hôi thối, có thể nuôi được trong nhà, nông thôn hay thành thị đều nuôi được. Nuôi dế mất ít thời gian và có đầu ra rộng, ổn định nên phù hợp với nhiều hộ gia đình, nhất là vùng nông thôn, có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để tăng gia sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một lứa dế thịt thường có chu kỳ nuôi 30-35 ngày, dế sinh sản từ 40-60 ngày tuổi. Hiện nay, dế thường được dùng để làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim, cá cảnh, gà cảnh, ếch, bò cạp, tắc kè, rắn, dùng làm mồi câu cho ngư dân và chế biến một số món ăn trong các quán ăn, nhà hàng. Bên cạnh nuôi dế, ông Mạc còn nuôi thêm tắc kè, bò cạp. Chuồng nuôi tắc kè, bò cạp được ông thiết kế gần giống với môi trường tự nhiên, đảm bảo cho loài bò sát sinh trưởng tốt. 

Do có kinh nghiệm, lại là một trong những hộ nuôi đầu tiên cho giá trị kinh tế cao nên đến nay, cơ sở nuôi dế mèn của ông Trần Tiến Mạc đã đón rất nhiều đoàn khách của các tỉnh và một số nước về học hỏi kinh nghiệm. Gần đây nhất, năm 2018, ông đã đón đoàn chuyên gia của Đài Loan do Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu về học hỏi mô hình nuôi dế của gia đình. Đồng thời, cơ sở của ông là địa chỉ uy tín cung cấp giống, thu mua dế thương phẩm, hướng dẫn phương pháp nuôi cho rất nhiều hộ nông dân trong cả nước. Ông và con gái còn tự thiết kế trang web về hoạt động của trang trại, thông tin đầy đủ về các dịch vụ từ cung cấp giống đến sản phẩm bán lẻ, bán buôn nhằm giới thiệu và “chào hàng” cho sản phẩm. Không những tiêu thụ trong nước mà trang trại của ông còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các nước như: Trung Quốc, Nga, Lào, Thái Lan, Campuchia, Ai Cập, Hàn Quốc. Thời gian gần đây, do tuổi cao sức yếu, nhà chỉ còn 2 ông bà nên việc nuôi đã thu hẹp lại, phần lớn dế và một số loại côn trùng được phát triển tại cơ sở 2 của con gái ở Hà Nội. Tại gia đình, ông duy trì nuôi 20 thùng dế. Xuất bán với khoảng 6 tấn dế/năm, cho thu nhập đều đặn từ 15-20 triệu đồng/ tháng. Sản phẩm dế mèn của ông được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy chứng nhận, được nhiều cơ sở thu mua đánh giá cao về chất lượng con giống và dế thương phẩm./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



Hiểu rõ gen z là gì
Hiểu rõ gen z là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com