Thú chơi hoa, cây cảnh từ lâu đã trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người dân. Tuy vậy, bên cạnh thú chơi lành mạnh, tao nhã, một số người do thiếu hiểu biết đã bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua về sự thất vọng, tiếc nuối.
Vườn hoa lan Thùy Linh, xóm 25, xã Điền Xá (Nam Trực) có 5.000 giò lan các loại, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng. |
Anh Trần Anh T là thợ điện lạnh có tiếng ở xã Mỹ Xá (thành phố Nam Định). Ngoài những giờ lao động vất vả, anh T còn có niềm đam mê với các loại lan. Sau hơn 10 năm tích lũy, anh cũng có một vườn hoa lan quy mô 180m2 với đủ các loại địa lan và phong lan, trong đó có những dòng được mệnh danh là “tứ đại mỹ nhân” của địa lan như: hoàng vũ, hoàng thanh ngọc, cẩm tố, mạc lan. Tổng giá trị vườn lan của anh tính theo giá thị trường phải từ 500-700 triệu đồng. Từ cuối năm 2019, khi cơn sốt về lan phi điệp đột biến với những vụ trao đổi lan được định giá trị cao “không tưởng” trên mạng xã hội khiến một người vừa đam mê lan, vừa có máu kinh doanh như anh T không thể làm ngơ. Anh tính, nếu phát triển được lan đột biến sẽ có thu nhập khủng, không phải làm công việc điện lạnh vất vả nữa. Qua liên lạc, anh được một người bạn chơi lan ở Hà Nội mời lên tham quan thị trường. Và, dường như “vô tình” người bạn kia lại dẫn anh tham gia, chứng kiến một cuộc mua bán lan phi điệp giả hạc đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ. Trong cuộc mua bán có đông người tham gia này, người bán là người trung tuổi đã bán cho người chơi một giò lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng với giá gần 1 tỷ đồng. Quá “sốc” trước giá trị của giò lan, anh T về nhà suy nghĩ nhiều ngày, sau đó dồn được 70 triệu đồng lên Hà Nội mua 2 kie (là mầm con được phát triển trên thân mẹ), mỗi kie chỉ dài khoảng 4cm với hy vọng sau vài tháng sẽ nhân được nhiều cây, mỗi cây bán vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu. Bỏ luôn việc sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa làm không hết việc, anh T dành thời gian chăm sóc 2 cây kie rất cẩn thận với hi vọng sớm đổi đời. Tuy nhiên, sau khi báo chí liên tục nói về thị trường lan phi điệp có giá trị ảo, anh giật mình liên lạc với nhà vườn bán cây cho mình cũng như người bạn chơi trên nhưng không được. Khi anh hỏi nhiều người có kinh nghiệm về lan phi điệp, thì 2 kie anh mua đều là loại phi điệp bình thường, giá chỉ 150 nghìn/cây con. “Nói thật, nhiều lúc nghĩ mà thấy tôi dại quá. Hóa ra, tôi bị đưa vào “tròng” bởi người bạn chơi khi tham gia cuộc mua bán. Tất cả đều là cái bẫy khiến tôi như uống thuốc “lú”, đi theo một cách u mê. Lúc đó, tôi không tỉnh táo nhận ra rằng, cây mua là cây con, chưa ra hoa nên không thể nhận biết được mặt hoa. Tiền mua 2 kie coi như mất, tôi lại quay về công việc chính là sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa nhưng hiện nay đã qua mùa nắng nóng cao điểm cộng với việc mình nghỉ quá lâu nên lượng khách hàng giảm hẳn, anh T xót xa. Ông Nguyễn Thanh N ở xã Nghĩa An (Nam Trực) cũng là người chơi lan lâu năm. Trong cơn sốt lan phi điệp đột biến, ông cũng lên mạng xã hội tìm hiểu. “Tình cờ tôi thấy một nhà vườn bán phi điệp ở Hòa Bình có lượng người theo dõi, xem các cuộc livestream rất đông giới thiệu và bán kie lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng HO. Trao đổi với người bán, họ gợi ý sẽ bán cho tôi 1 kie dài khoảng 2cm với giá 20 triệu đồng, tôi chỉ cần trả một nửa, nửa còn lại thì trả sau cũng được”. Nghĩ rằng thuận lợi, ông N chuyển tiền qua cho nhà vườn, sau đó nhận được kie lan phi điệp. Sau hơn 2 tuần chăm sóc, chủ nhà vườn trên giới thiệu một người cũng ở Nam Định lên mua kie cây của ông với giá 40 triệu đồng. Sau khi trả chủ vườn 10 triệu còn thiếu, ông N đã lãi 20 triệu đồng chỉ trong vòng 2 tuần. Thấy làm ăn tốt, ông N đã huy động tiền hưu của 2 vợ chồng, mượn con cái được tổng gần 100 triệu đồng để mua tiếp 5 kie hoa dù nhiều bạn chơi khuyên không nên mạo hiểm. Tuy nhiên, sau khi nhận kie hoa trên, chăm sóc một thời gian, ông N phát hiện giống lan trên là lan phi điệp loại thường, không phải là loại đột biến. Liên hệ với chủ facebook trên không được, đi tìm hỏi người mua lan cũng không được, lúc này ông N mới ngã ngửa ra mình bị.
Thú chơi hoa, cây cảnh có từ hàng trăm năm trước, đặc biệt là ở tỉnh ta luôn diễn ra sôi động bởi có làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) với lịch sử hình thành và phát triển gần 800 năm. Các loại hoa lan, các cây hoa trà quý, các loại cây cảnh: sanh cổ, tùng La Hán, mai chiếu thủy - Những cây cảnh “đẳng cấp”, có đủ các yếu tố “cổ - kỳ - mỹ”, những loại lan quý hiếm, phải dày công chăm sóc luôn có giá trị cao. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi nền kinh tế thị trường với sự vào cuộc của các con buôn đã thổi giá dẫn tới tạo cơn sốt ảo, giá trị ảo về hoa, cây cảnh. Sau khi thị trường bão hòa thì cây trở về giá trị thật, khiến nhiều người kinh doanh lao đao. Ông Trần Văn Thắng ở Khu đô thị Thống Nhất (thành phố Nam Định) là người chơi cây cảnh lâu năm cho biết: Những năm 90 của thế kỷ trước, các loại cây hoa trà như trà phấn hồng, trà lựu, trà bạch nhụy, trà thâm, trà bạch tuyết... “sốt” giá. Bởi, sở hữu cây hoa trà là khẳng định “đẳng cấp” người chơi, ngày xưa các cụ đã từng đúc kết là “Vua chơi lan - quan chơi trà”. Có những cây trà được người mua bằng cả cây vàng, sấp xỉ bằng ngôi nhà mặt đường. Tuy nhiên mấy năm sau thì cây trà mất giá, nhiều người bỏ đi, không chăm sóc. Cũng một thời gian rộ lên cây vạn tuế, thiên tuế giá cũng không hề rẻ, sau đó cũng thoái trào. Gần đây, những năm 2011, 2012 bùng lên thú chơi cây cảnh, cây thế khủng như sanh, tùng la hán…, trong đó có nhiều cây được giao dịch hàng tỷ đồng. Nhiều gia đình trong tỉnh có cây sanh cảnh của cha ông để lại, bất ngờ bán được hàng trăm triệu đồng. Có nhà chỉ râm cành cây sanh cạnh mương nước, mấy năm sau cây phát triển bán cũng thu về cả triệu đồng. Thấy làm ăn quá dễ, nhiều nơi trồng ồ ạt cây cảnh, cây thế, dẫn tới thị trường nhanh bão hòa. Cây mất giá chóng mặt, có cây tiền tỷ giờ chỉ còn mấy chục triệu. Nhiều làng quê điêu đứng vì người người trồng cây cảnh, nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì trót đầu tư. Một số nghệ nhân cây cảnh phải chuyển từ cây cảnh, cây thế sang làm cây công trường, cây bóng mát để duy trì nghề cũng như thu nhập. Đối với vụ việc về hoa lan đột biến thời gian qua, một thành viên của Hội Hoa lan Nam Định cho biết: Ngay khi lan phi điệp “phi” giá đã cảm thấy bất ngờ bởi những năm trước, lan phi điệp có giá rẻ. Khi xem những buổi giao dịch lan phi điệp đột biến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, những người chơi lan cảm thấy có “vấn đề”. Đối với cây phi điệp đột biến quả thật rất quý, bởi trong hàng trăm giò lan, hàng nghìn cây lan thì chỉ có 1-2 cây đột biến mà thôi nên giá trị cao là tất nhiên. Tuy nhiên, khi giá trị lên quá cao thì chắc chắn là chiêu trò thổi giá của những người buôn. Chỉ những người non kinh nghiệm, hám lợi mong làm giàu nhanh thì mới mắc “lừa” bởi lan phi điệp đột biến thời gian qua.
Trước thị trường cây cảnh đầy biến động, cộng với nhiều thủ đoạn của giới buôn cây, người chơi, người trồng hoa cây cảnh cũng nên nghe ngóng, cẩn trọng, là để tránh “mắc bẫy”, qua đó đưa ngành sinh vật cảnh phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Thiện