Xuân làng nghề

07:02, 18/02/2015

Làng nghề - “trăm hoa đua sắc”

Tết đã cận kề vậy mà đến các làng nghề không khí làm việc vẫn hết sức sôi động, hối hả, tất bật. Không khí đón Tết hiện diện qua những chậu quất, cành đào khá “hoành tráng” trưng ở phòng khách, phòng giới thiệu sản phẩm, hay một góc sân để “chờ” vào nhà; “còn các thức khác phục vụ cho Tết thì có tiền sắm nhanh thôi” - bà con làng nghề bảo thế. Có nghề, có việc đều tay quanh năm nên việc sắm Tết giờ cũng không khó khăn, chật vật như xưa nữa. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển sản xuất công nghiệp - làng nghề nông thôn, toàn tỉnh đã có 124 làng nghề (bao gồm làng nghề mới và làng nghề truyền thống), tạo việc làm tại chỗ cho 13,5 vạn lao động. Làng nghề đang “trăm hoa đua sắc”, từ các làng nghề truyền thống đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm tuổi như: làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên); các làng nghề cơ khí Đồng Côi, Vân Chàng (Nam Trực); Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường)... đến các làng nghề mới như: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói Đồng Nam (Nghĩa Hưng), mộc mỹ nghệ Mộc Kênh (Trực Ninh), Kim Thành (Hải Hậu)...

Sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu cói ở làng nghề Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).
Sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu cói ở làng nghề Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).

Hình thành cách đây gần 10 thế kỷ, nghề mộc mỹ nghệ ở La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo đến hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc cung đình. Riêng ở phía Bắc, cũng có nhiều làng nghề mộc mỹ nghệ nổi tiếng như Đồng Kỵ, Phú Xuyên, nhưng người sành đồ mộc vẫn thích tìm mua hàng La Xuyên. Từ làng La Xuyên, nghề mộc mỹ nghệ đến nay đã phát triển ra các thôn của xã: Yên Ninh, Ninh Xá, Lũ Phong, Trịnh Xá, Ninh Hạ. Quy mô sản xuất đã mở rộng, hiện đại và mang tính công nghiệp hơn. Toàn xã có 23 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, xưởng sản xuất bề thế khang trang, có khu trưng bày sản phẩm hiện đại sát Quốc lộ 10. Tuy không có bề dày lịch sử bằng làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên nhưng cơ khí cũng là nghề truyền thống, với lịch sử hình thành hơn trăm năm ở xã Xuân Tiến (Xuân Trường). Khởi nguồn từ cuối thế kỷ 19 với các sản phẩm gia dụng và phục vụ hoạt động tín ngưỡng đúc từ đồng như chậu, mâm, nồi, chuông, kèn, tượng... dần dần, người làng Xuân Tiến mở rộng sản xuất sang các sản phẩm đúc, rèn bằng các nguyên liệu khác như nhôm, sắt với các dòng sản phẩm chủ đạo là phụ tùng xe đạp, đèn măng-xông, kèn đồng...  Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đã “cởi trói”, giải phóng những ràng buộc vô hình; tài hoa và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người làng nghề đã được phát huy tối đa. Các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy bóc lạc rồi các loại máy phục vụ xây dựng (máy trộn đảo bê tông, máy ép gạch thủy lực), máy chế biến gỗ (máy phay, bào, đục...), kể cả động cơ điện và xe ba bánh... đã được người thợ làng nghề nghiên cứu và sản xuất thành công với khối lượng lớn. Với ưu điểm là chất lượng đảm bảo, độ bền cao, giá cả phù hợp và thuận tiện trong vận hành, các sản phẩm của làng nghề cơ khí không chỉ được thị trường trong tỉnh, trong nước tín nhiệm mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia. Đến nay, làng nghề cơ khí truyền thống Xuân Tiến đã có bước phát triển vượt bậc với 30 doanh nghiệp, cơ sở đang đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong CCN tập trung (có tổng diện tích 15,6ha) và trên 200 hộ gia công, sản xuất tại nhà. Làng nghề dệt truyền thống Nhự Nương, Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); làng rèn truyền thống Giáp Nhất (Vụ Bản); làng nghề cơ khí truyền thống Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực) hay làng nghề mộc Phạm Rỵ, chạm khắc gỗ Bình Minh (Hải Hậu)... đã vận động tích cực, vượt qua những thăng trầm để tiếp tục phát triển, vừa giúp dân làm giàu, vừa gìn giữ chiều sâu văn hóa, bản sắc của quê hương. Một số làng nghề mới hình thành được sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách ưu đãi, khuyến khích, sau thời gian trầm lắng, mai một đã tìm được hướng đi thích hợp để phục hồi và phát triển như: nghề thêu ren truyền thống ở các thôn Nhuộng, Thông, Hoàng Giang, Tiêu Bảng, Văn Minh, Văn Mỹ và nghề khâu nón của thôn Mạc Sơn, xã Yên Trung (Ý Yên); làng nghề thêu ren truyền thống Phú Nhai, nghề điêu khắc và chế biến gỗ ở các thôn Trà Đông, Trà Đoài của xã Xuân Phương (Xuân Trường); làng nghề dệt khăn truyền thống ở thôn Trung Thắng, làng nghề thủy tinh Xối Trì của xã Nam Thanh (Nam Trực); nghề dệt ở làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản)... Từ hạt nhân là các làng nghề truyền thống, nhiều địa phương đã nỗ lực phát triển thêm nhiều làng nghề mới sung sức như làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng); làng Mộc Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), làng mộc Kim Thành, xã Hải Vân (Hải Hậu)...

“Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”

Sản phẩm hàng hoá của các làng nghề đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đồng thời tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ cùng phát triển, góp phần làm cho cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động ở làng nghề luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2-3 lần. Không phải tự nhiên mà các làng nghề truyền thống như: cơ khí Xuân Tiến, mộc mỹ nghệ La Xuyên, cây cảnh Điền Xá... từ lâu đã được mệnh danh là "làng tỷ phú". Theo ước tính sơ bộ của UBND xã Yên Ninh, làng nghề La Xuyên hiện có khoảng 1.500 lao động địa phương đạt mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; thợ tay nghề cao được trả 8-10 triệu đồng/người/tháng; lao động thủ công, thợ phụ, đảm nhận các công đoạn gia công, hoàn thiện sản phẩm như đánh véc-ni, giấy ráp cũng được trả công 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Làng nghề cơ khí Xuân Tiến hiện thu hút khoảng 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 150-180 nghìn đồng/người/ngày. Lao động nông thôn trong các làng nghề mới tùy công việc có thu nhập tối thiểu từ 50-60 nghìn đồng đến trên 200 nghìn đồng/người/ngày, thậm chí còn cao hơn nữa. Nghề thêu ren và làm nón ở xã Yên Trung phát triển ở cả 9 thôn, xóm trong xã đã thu hút gần 800 hộ dân với trên 1.500 lao động tham gia với bình quân thu nhập khoảng 50-60 nghìn đồng người/ngày. Không chỉ ở xóm Đồng Nam, đến nay, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói đã phát triển ra cả 16 xóm của xã Nghĩa Lợi, thu hút gần 1.000 lao động tham gia. Theo thống kê của xã, ngoài thu nhập truyền thống từ ruộng vườn, các hộ có nghề ở xóm Đồng Nam, hộ khá đạt mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng; trung bình cũng đạt 30-50 triệu đồng/năm; một số hộ tận dụng lao động và thời gian nông nhàn cũng đạt thu nhập tối thiểu 20 triệu đồng/năm trở lên. Nghề mộc mỹ nghệ ở thôn Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên) đã thu hút trên 70% số hộ tham gia với gần 500 lao động trực tiếp, thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo ước tính sơ bộ của xã, hằng tháng nghề mộc đã mang lại khoản thu nhập khoảng… 1,5 tỷ đồng cho các hộ làm nghề trong thôn. Thu nhập được cải thiện, người nông dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, lo cho con cái ăn học, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt, từ đó cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, gắn bó với cộng đồng làng, xã.

Xưa, thời đất rộng, người thưa nhưng cha ông đã có câu “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” bởi làm ruộng còn phải “trông trời, trông đất, trông mây”, có được hạt thóc, củ khoai, con lợn vô cùng nhọc nhằn mà tính ra chẳng thấm thía gì với công sức, lao động. Có nghề là có “tiền tươi, thóc thật” hằng ngày, hằng tháng để chi trả cho cuộc sống thường nhật. Nay đất chật người đông, ruộng đất thu hẹp, phân công lao động trong nông nghiệp cũng rõ rệt hơn, cơ giới hóa, hiện đại hóa được tăng cường, lao động nông thôn dư thừa, việc làm từ nông nghiệp cũng hạn chế. Trong khi nhu cầu chi tiêu đời sống tăng lên. Người quê phải nhao ra thành phố tìm việc làm để kiếm tiền. Sự cần cù, chịu khó, không nề hà, cả tính năng động của người nông dân đã giúp họ có thêm thu nhập, đạt được mục đích của mình. Nhưng bao hệ lụy xã hội kéo theo khiến không ít cảnh đời dở khóc, dở cười. Rất nhiều cuộc điều tra xã hội học những năm qua chỉ ra vô số bất cập xã hội do nguyên nhân người nông dân phải “ly nông” và “ly hương”, đặc biệt những hệ lụy tác động tiêu cực đến văn hóa, cội nguồn làng, xã. Nhắc đến điều này mới càng thấy giá trị to lớn của việc đẩy mạnh phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định tại chỗ cho người nông dân của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung, Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nói riêng. Các làng nghề nông thôn đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động mang đến sức xuân cho nhiều địa phương thuần nông. Với 310 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, 52 nghìn hộ, 135 nghìn lao động; 166 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN trong tổng giá trị sản xuất chiếm từ 10% trở lên; trong 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 có 78 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) hơn 15%. Trong giai đoạn 2011-2014, giá trị SXCN nông thôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 23%/năm, năm 2014 ước đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng hơn 65% so với năm 2010; tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn chiếm hơn 53% tổng giá trị SXCN toàn tỉnh. Sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn phát triển đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp toàn tỉnh. Giai đoạn 2011-2014, giá trị SXCN toàn tỉnh tăng bình quân 22%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 14%/năm. Năm 2014, giá trị xuất khẩu ước đạt 591 triệu USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2013.

Khép lại năm 2014, mặc dù còn những vấn đề cần quan tâm trong khuyến khích phát triển làng nghề CN-TTCN ở khu vực nông thôn để bảo đảm phát triển bền vững song không thể không ghi nhận những đóng góp quan trọng của nó với vai trò là động lực thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa; giải quyết việc làm, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa, xã hội, xây dựng NTM. Mỗi làng nghề, mỗi ngành nghề đang mang những tín hiệu xuân, những mùa xuân phát triển, ấm áp và sum họp đến với các miền quê./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com