Theo dự báo của Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi tăng khoảng 15% so với trung bình các tháng trong năm và tăng hơn năm 2014 khoảng 5%; giá bán hầu hết các mặt hàng sẽ không có biến động nhiều do thời gian qua giá xăng dầu giảm liên tục, giảm áp lực chi phí cho sản xuất, vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Vụ mùa và vụ đông được mùa lớn nên khả năng tăng chi tiêu cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đã chủ động chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Ngay từ đầu quý IV-2014, Sở Công thương đã phối hợp với Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định khảo sát, dự tính nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn và tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân. Các đơn vị quản lý chợ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh chủ động phòng, chống cháy nổ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm bán hàng văn minh, lịch sự. Theo đó 5 nhóm hàng chủ yếu được chuẩn bị phục vụ Tết, gồm: lương thực, thực phẩm, đồ uống; hàng may mặc, giày dép; máy móc, thiết bị điện tử; trang trí nội thất, đồ gia dụng; hàng công nghệ tiêu dùng, xăng dầu. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn đã chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá trên 250 tỷ đồng gồm: 600 tấn gạo tẻ, 200 tấn gạo tám, 150 tấn gạo nếp, 70 nghìn thùng mì tôm, 20 tấn thịt lợn hơi, 10 tấn thịt bò, 300-400 tấn dầu ăn, 2 nghìn tấn bánh kẹo, 50 tấn đường, 300 nghìn thùng bia, 130 nghìn chai rượu, 10 tấn chè, 40 tấn thủy, hải sản..., ưu tiên hàng sản xuất trong nước. Trong đó, Cty CP Lương thực Nam Định chuẩn bị 125 tấn gạo tám, 125 tấn gạo nếp, 250 tấn gạo tẻ; 20-30 tấn gạo sạch chất lượng cao cùng các loại nước giải khát... Cty CP Bia NaDa chuẩn bị 200 nghìn thùng bia; Siêu thị BigC dự trữ trên 9 tấn gạo các loại, 40 nghìn thùng mì tôm, 2 tấn thịt bò, 10 nghìn thùng bia các loại, 4.500 chai rượu, 2 tấn chè, 12 nghìn tấn bánh kẹo, 10 tấn đường và một số mặt hàng thiết yếu khác. Trung tâm Thương mại Micom Plaza chuẩn bị 6,8 tấn gạo, 2 tấn đường, 9 tấn sữa, 11.250 chai dầu ăn, 3.600 thùng mì tôm; 7,9 tấn bột ngọt, 45 tấn bánh kẹo các loại, 0,7 tấn thủy, hải sản và 1 tấn rau, củ, quả các loại. Các doanh nghiệp tư nhân như: Cty Thương mại Nam Sơn, Cty CP Dịch vụ và thương mại Mai Phương, Cty Chiến Thanh và các hộ kinh doanh tại chợ Rồng, chợ Mỹ Tho và các chợ Đồng Tháp, Hạ Long... cũng đã dự trữ đa dạng các loại hàng hoá để phục vụ Tết.
Lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Big C Nam Định. |
Riêng thực phẩm tươi sống, các đơn vị thương mại lớn như Siêu thị BigC, Trung tâm Thương mại Micom Plaza đã đặt hàng tại các vùng nuôi trồng, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy hải sản đạt tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời cung ứng các loại trái cây đặc sản các vùng miền trong toàn quốc. Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghệ phẩm, hàng tiêu dùng trong tỉnh cũng chủ động thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Trong đó Cty TNHH Bánh kẹo Đại Thắng (TP Nam Định) đã nâng công suất dây chuyền sản xuất bánh trứng nướng, phát triển thêm các sản phẩm mứt hoa quả truyền thống và kẹo dẻo hương hoa quả. Bên cạnh nhóm hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng xăng dầu, khí đốt, phương tiện vận tải phục vụ việc đi lại của nhân dân được các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ và cam kết phục vụ 24/24 giờ trong cả 3 ngày Tết, không tăng giá dịch vụ. Một số nhóm hàng mang tính đặc trưng như hoa, cây cảnh, rau xanh, sản phẩm thủy, hải sản tươi sống không dự trữ được trong thời gian dài, các ngành chức năng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch, hợp đồng cụ thể với từng vùng sản xuất để cung ứng tới người tiêu dùng kịp thời, đảm bảo ATVSTP. Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại liên tục triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu, giảm giá, tăng cường dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng như giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách đến mua sắm.
Cùng với chuẩn bị chu đáo nguồn hàng, các ngành chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình thị trường, giá cả, chủ động các giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn. Sở Công thương khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập những cửa hàng bình ổn giá, tạo điều kiện thu hút nhân dân mua sắm, đảm bảo ổn định cung cầu trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý, không để xảy ra tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và ép giá người tiêu dùng đối với những mặt hàng thiết yếu, nhất là ở các vùng nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hoá trong dịp Tết./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương