Hiện trên địa bàn tỉnh có 215 chợ, mỗi chợ có 10-40 hộ buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm (GSGC); 2.060 cơ sở giết mổ GSGC, trong đó hầu hết quy mô nhỏ lẻ do phát triển tự phát; tại các hộ gia đình, diện tích chật hẹp, không có khu nuôi nhốt, giết mổ riêng, phế thải sau khi giết mổ không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán GSGC và sản phẩm GSGC không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn gia cầm nhập lậu không qua kiểm dịch. Nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh GSGC, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và ổn định thị trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn; tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trên địa bàn.
Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục QLTT tỉnh) thu giữ lô trứng gà nhập lậu từ Trung Quốc. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 127 của tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở NN và PTNT, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn. Đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra các điểm tập kết, thu gom động vật, sản phẩm động vật tại các chợ đầu mối, khu vực giáp ranh, các bến tàu, bến xe, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê kho lạnh và các phương tiện vận tải. Các ngành chức năng bố trí lực lượng chốt trực 24/24 giờ tại 4 chốt kiểm dịch cấp tỉnh là bến phà Sa Cao và các điểm tiếp giáp với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam; đồng thời bố trí lực lượng tham gia chốt gác tại các huyện, thành phố để chủ động xử lý ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật trái phép. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tổ chức tuyên truyền, tăng cường giám sát các cơ sở kinh doanh buôn bán sản phẩm GSGC tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh, đặc biệt chú ý các hành vi gian lận như xé bao bì, trộn lẫn các sản phẩm GSGC chưa qua kiểm dịch, động vật không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Công an tỉnh tập trung lưu ý kiểm tra các xe tải, xe khách, tàu thuyền hoạt động ở các tuyến biên giới Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, Lào Cai… để ngăn chặn, phòng ngừa các chủ phương tiện, lái xe vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC nhập lậu, không rõ nguồn gốc về tiêu thụ tại địa bàn. Trong đợt cao điểm tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh sản phẩm GSGC, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh sản phẩm GSGC có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các lực lượng chức năng đã xử lý 12 vụ vi phạm VSATTP và các quy định về vận chuyển, kinh doanh động vật và các sản phẩm động vật trái phép, phạt 11,3 triệu đồng.. Tháng 4-2013, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội CSGT (Công an Thành phố Nam Định) kiểm tra, phát hiện xe ô tô khách mang biển kiểm soát 15B-00829 do lái xe Nguyễn Quang Luật trú tại Tràng Cát, Hải An (Hải Phòng) điều khiển, vận chuyển 13.500 quả trứng gà từ Hải Phòng về tiêu thụ tại Nam Định. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện có 7.600 quả trứng xuất xứ từ Trung Quốc, 5.900 quả trứng có xuất xứ trong nước. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số trứng trên không có đầy đủ hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ lô hàng. Mở rộng điều tra vụ việc, chủ hàng là Trần Thị Liên trú tại 495 đường Trường Chinh, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) khai nhận đã mua trứng gà Trung Quốc giá rẻ giả làm trứng gà ta về tiêu thụ tại thị trường Thành phố Nam Định và các huyện lân cận. Đội Quản lý thị trường số 2 đang tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, tăng cường nhân mối thu thập nguồn tin có giá trị và tổ chức phối hợp giữa các lực lượng để hạn chế thấp nhất gian lận thương mại trên thị trường kinh doanh GSGC và các sản phẩm GSGC.
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu diễn ra trên địa bàn tỉnh, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân không nuôi, vận chuyển, buôn bán trái phép GSGC trên địa bàn; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần phổ biến, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn gia cầm an toàn, sử dụng thực phẩm gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ đảm bảo ATVSTP. Sở NN và PTNT cần phối hợp với các huyện, thành phố và các ngành chức năng khẩn trương hoàn thành quy hoạch khu giết mổ GSGC tập trung và tham mưu xây dựng quy hoạch khu xử lý động vật do dịch bệnh và vận chuyển GSGC sai quy định./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương