Cần quản lý chặt chẽ việc đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn

08:05, 13/05/2013

Để khuyến khích người dân mua và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe máy bảo đảm an toàn, chương trình đổi MBH không đạt chuẩn lấy MBH đạt chuẩn có trợ giá được tổ chức rộng rãi. Ban ATGT tỉnh đã huy động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh MBH trích một phần lợi nhuận trợ giá cho người mua trong thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 6-2013. Theo đó, các đơn vị sản xuất và đại lý kinh doanh MBH có đủ tư cách pháp nhân và sản phẩm đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN 02:2008/BKHCN đều được tham gia chương trình.

Việc đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh diễn ra tràn lan, tự phát, chưa thực sự được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ.
Việc đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh diễn ra tràn lan, tự phát, chưa thực sự được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ.

Từ cuối tháng 3-2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp đăng ký và tổ chức bán hàng trợ giá “Đổi MBH không đạt chuẩn - Lấy MBH đạt chuẩn”. Siêu thị Big C Nam Định đăng ký tham gia chương trình trợ giá MBH với Ban ATGT Thành phố Nam Định với cam kết chấp hành các quy định của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh MBH; tất cả các loại mũ đổi cho khách hàng đều đạt quy chuẩn chất lượng 02:2008/BKHCN; không tăng giá trong thời gian trợ giá; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ MBH kém chất lượng của khách hàng đổi. Cty CP Đào tạo và Hợp tác Quốc tế Thiên Trường đăng ký với Sở KH và ĐT thực hiện chiến dịch đổi MBH có trợ giá từ ngày 5-4 đến ngày 5-6-2013 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Cty áp dụng mức trợ giá 30.000 đồng/1 MBH của 4 loại mũ nửa đầu và cả đầu của các hãng: Canary và BKTec, Protec, Honda; giá bán niêm yết của các loại MBH dao động từ 150-340 nghìn đồng/chiếc. Trung tâm Thương mại Micom Plaza chuẩn bị nguồn MBH dồi dào với nhiều mẫu mã mới, đa dạng về màu sắc, chủng loại, giá bán lẻ dao động từ 125-260 nghìn đồng/chiếc và áp dụng mức trợ giá 50 nghìn đồng/chiếc cho khách hàng mang MBH cũ, hỏng, không đạt chuẩn đến đổi và 25 nghìn đồng/chiếc cho những khách hàng đến mua MBH. Nhờ đó, ngay trong đợt đầu (từ ngày 4 đến ngày 12-4-2013) Trung tâm Thương mại Micom Plaza đã bán được hơn 10 nghìn MBH đạt chuẩn có trợ giá và thu hồi được gần 9.000 MBH cũ, hỏng, không đạt chuẩn. Trong quá trình bán hàng, các doanh nghiệp đều kết hợp tuyên truyền về lợi ích của việc đội MBH đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, các quy định pháp luật về ATGT liên quan đến MBH… cho người dân. Số lượng người đổi và đội MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Các doanh nghiệp tham gia chương trình trợ giá đổi MBH cho biết, chương trình đã giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ để có được chiếc MBH mới, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, thay đổi hành vi của người đội MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông để bảo vệ bản thân chứ không phải để đối phó với cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố Nam Định và tại các huyện trong tỉnh đã xuất hiện một số điểm không đăng ký tham gia chương trình nhưng cũng treo biển đổi MBH trợ giá. Tại các điểm đổi mũ này, giá bán các loại MBH thường cao hơn so với mức giá trên thị trường. Anh Trần Tiến Duy, tổ dân phố 15, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) cho biết, anh đã mua 1 chiếc MBH kiểu N012 của cơ sở mũ Sóng Hồng, địa chỉ: 137/19B Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tại điểm bán MBH có trợ giá 50 nghìn đồng/mũ ở thị trấn, nhưng so với chiếc MBH tương tự bán lẻ không trợ giá thì vẫn đắt hơn tới 60 nghìn đồng. Theo chị Minh Thuận (TP Nam Định), chị đã mua một chiếc MBH với đầy đủ tem nhãn chất lượng như khuyến cáo của cơ quan chức năng với giá 190 nghìn đồng và đã được trợ giá 50 nghìn đồng, nhưng khi về nhà kiểm tra kỹ thì chiếc mũ chị mua cùng dòng sản phẩm, cùng thương hiệu với chiếc MBH mà em trai chị đã mua chỉ với giá 180 nghìn đồng tại một cửa hàng không có trợ giá. Rõ ràng đây là hiện tượng một số nhà kinh doanh lợi dụng hiệu ứng của chương trình để trục lợi từ “túi tiền” người tiêu dùng. Bên cạnh sự chênh lệch về mức giá, nhiều loại mũ được bày bán theo chương trình đổi mũ có trợ giá vẫn chưa tạo được sự yên tâm về chất lượng đối với người tiêu dùng. Tuy có đủ tem hợp quy, nhãn mác của các nhà sản xuất nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt thường kiểm tra đơn giản sẽ thấy vỏ mũ mềm và mỏng, trong khi người bán vẫn khẳng định đó là hàng chính hãng đạt tiêu chuẩn. Mức độ nghi ngờ về chất lượng loại MBH này càng tăng khi trên thực tế, nhiều sản phẩm MBH được công bố đạt chuẩn, dán tem chất lượng đầy đủ và chỉ được trợ giá 30 nghìn đồng/mũ nhưng chỉ có giá chưa đến 100 nghìn đồng. Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), các ngành chức năng của tỉnh mới tổ chức một “chiến dịch” đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường MBH vào đầu tháng 3-2013 để ngăn chặn, thu hồi sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vi phạm các quy định kinh doanh. Trước tình trạng rộ lên các điểm đổi MBH trợ giá, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các điểm “ăn theo” chương trình, đánh lừa người dân, bảo đảm mọi người mua được MBH đúng yêu cầu để sử dụng./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com