Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) nói chung và công nghệ vi sinh nói riêng vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân trong tỉnh sản xuất ra nhiều nông sản, thực phẩm an toàn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững và đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ vi sinh kết hợp thức ăn thảo dược của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). |
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở KH và CN đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH và CN vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng một số chế phẩm sinh học vào sản xuất đã thể hiện những ưu việt nhất định. Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). Ông Thục cho biết: Hiện trang trại của ông nuôi hơn 500 con lợn các loại với 4 dãy chuồng có tổng diện tích 700m2. Trong suốt quá trình nuôi, ông sử dụng men vi sinh chủng EM (mua tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trộn vào ngô, cám gạo, đậu tương và các loại thảo dược (đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả...) làm khẩu phần ăn hàng ngày cho lợn. Chế phẩm vi sinh này giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi cho chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển. Từ đó giúp đàn lợn tăng cường hấp thụ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, khỏe mạnh, không phải dùng bất kỳ loại kháng sinh nào, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Mỗi năm trang trại xuất bán khoảng 70-80 tấn thịt ra thị trường. Ông Thục tự hào rằng phương pháp ứng dụng công nghệ vi sinh kết hợp thức ăn thảo dược tạo ra sản phẩm thịt lợn hữu cơ thuộc loại ngon nhất tỉnh Nam Định, được công nhận là sản phẩm OCOP, có giá bán cao hơn khoảng 5-10 nghìn đồng/kg so với lợn nuôi bằng thức ăn thông thường. Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nông dân tại các xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu)… đã thực hiện các mô hình nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để hướng đến phát triển nuôi tôm bền vững. Nổi bật hiện nay là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng, khu 2, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ông Bằng cho biết: Ứng dụng công nghệ này mặc dù nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn song rút ngắn được thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng; giảm thiểu rủi ro, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống. Nhất là việc ứng dụng chế phẩm sinh học Biofloc, một loại hạt phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, động vật phù du... kết hợp với thức ăn dư thừa và xác tôm chết tạo thành thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho tôm, giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi. Tôm nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học nên đảm bảo về chất lượng đầu ra. Đồng thời, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ Biofloc, mỗi năm ông Bằng nuôi được 3 vụ tôm, sản lượng tôm đạt trên 40 tấn, lãi 1,5 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều hộ nông dân ở xã Nam Vân (thành phố Nam Định) và các xã, thị trấn của huyện Trực Ninh đã ứng dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Việc sử dụng chế phẩm AT-YTB cho thấy sau 7-10 ngày phun, rơm rạ được phân hủy trên 90%, bùn ruộng mát, mềm hơn so với ruộng không được xử lý. Đồng ruộng giảm mùi tanh hôi do các khí phân hủy rơm rạ gây ra, giảm ốc bươu vàng gây hại. Nhờ đó, năng suất lúa tăng khoảng 5-10%. Ngoài ra, theo một số hộ dân, nếu sử dụng chế phẩm AT-YTB liên tục trong nhiều vụ sẽ giảm lượng phân bón từ 15-30% so với thông thường.
Kết quả từ các mô hình ở tỉnh ta cũng như ở nhiều nơi trên cả nước cho thấy việc ứng dụng những chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại một số lợi ích toàn diện, to lớn như: có tác dụng tăng khả năng hấp thụ, phát triển, chống dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống; nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư cho người nông dân. Cụ thể, trong trồng trọt, chế phẩm vi sinh giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao sức chống chịu như rét, hạn, úng và sâu bệnh hại. Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn giúp cải tạo xử lý đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, hạn chế các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chế phẩm sinh học giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi như: thịt lợn, thịt bò, trứng gà. Trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm vi sinh giúp bổ sung những vi khuẩn có lợi giúp cân bằng tiêu hóa, xử lý ô nhiễm, xử lý khí độc trong ao tôm, xử lý bùn đáy, xử lý nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá... Nước từ ao nuôi khi thay rửa cũng giảm nguy cơ gây hại ra môi trường chung. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình để tuyên truyền trực tiếp, cụ thể nhất, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và đảm bảo môi trường. Trong đó, giải pháp ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công sang phương pháp hiện đại, áp dụng KH và CN vào sản xuất. Đặc biệt là việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học trong quá trình sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đó là xu hướng phổ biến và tất yếu để đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững thuận tự nhiên và vì con người./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh