Một trong các giải pháp then chốt để thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh được xác định là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản; là cơ sở để chuyển mạnh từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả cao.
Sản xuất khoai tây giống sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào phục vụ sản xuất đại trà tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN). |
Qua 22 dự án KHCN đã được triển khai ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản những năm gần đây đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và cải thiện môi trường, sinh thái. Đến nay, tỉnh ta đã làm chủ công nghệ, tổ chức sản xuất nhiều tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng. Chủ động được công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và công nghệ khí canh; công nghệ sản xuất 8 loại giống thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp, cá vược… Đồng thời làm chủ công nghệ chăn nuôi chuồng kín và công nghệ chăn nuôi đệm sinh học, công nghệ cải tạo giống, thay dần các giống lợn tỷ lệ nạc thấp bằng các giống có tỷ lệ nạc cao; đưa vào sản xuất hàng chục giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phù hợp với trình độ thâm canh của nông dân… Ngoài ra, với xu hướng đưa công nghệ sinh học - vi sinh vào phục vụ sản xuất, Sở KH và CN đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống nấm cấp 1, 2 tại Thành phố Nam Định, 3 mô hình sản xuất giống nấm cấp 3 tại các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu… Hằng năm, hệ thống các trạm khuyến nông toàn tỉnh đã xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi và biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất để phổ biến rộng rãi, nhân nhanh ra đại trà, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sở KH và CN chủ động phối hợp với Sở NN và PTNT tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng các giải pháp, chính sách thúc đẩy các hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, trước hết là các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, tưới nước, bón phân, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản. Lựa chọn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp lập đề án, phương án hỗ trợ cụ thể để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất hiệu quả cao. Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, thực phẩm; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh. Tranh thủ các nguồn vốn KHCN của Trung ương, của tỉnh, cân đối và ưu tiên cho các dự án, các đề tài ứng dụng KHCN phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong năm 2014, Sở KH và CN đã trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án nghiên cứu sản xuất giống 5 loại cây trồng chủ lực gồm: lúa, lạc, ngô, khoai, đậu tương; cải tạo đàn lợn nái nền và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, quản lý chất thải chăn nuôi; sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, ngao dầu và hoàn thiện công nghệ chế biến nông sản ở các làng nghề gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản địa phương. Trong đó đã triển khai 2 đề án lớn là “Nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lúa” và “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017” với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng giúp tỉnh ta chủ động được một số giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác mang thương hiệu của tỉnh; hình thành vùng sản xuất lúa giống ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Đồng thời chủ động 50% nhu cầu khoai tây giống sạch bệnh phục vụ sản xuất tại tỉnh ta. Bên cạnh đó hàng loạt dự án hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, năng lực nghiên cứu đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất giống gia súc, gia cầm chủ lực của tỉnh. Tiêu biểu như Cty CP thương mại và đầu tư Biển Đông, Cty CP Hoàng Thành Đạt, Cty TNHH Thái Việt, Cty Phú Lộc, Cty Gà giống Châu Thành… mở rộng sản xuất giống gia súc, gia cầm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải tạo đàn lợn nái nền và đàn gia cầm giống, cung cấp giống chăn nuôi chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất giống của 2 trung tâm sản xuất giống và gần 100 trại giống thủy, hải sản của tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu giống thủy, hải sản trong tỉnh và các tỉnh trong vùng, phấn đấu đưa Nam Định trở thành tỉnh mạnh về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản của vùng đồng bằng sông Hồng. Liên kết chuyển giao và ứng dụng nhanh công nghệ sản xuất các giống thủy, hải sản ưu thế tại địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường như ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp, cá song, cá vược, cua biển và các loại cá truyền thống… tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả giải pháp này theo đúng tinh thần “là then chốt thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng; các chính sách hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KHCN. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để đáp ứng yêu cầu ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Nâng cao trình độ thâm canh, đổi mới tác phong làm việc với ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, quy trình kỹ thuật hướng dẫn trong quá trình canh tác của người nông dân để thực hiện các dự án ứng dụng KHCN đạt hiệu quả cao./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương