Khai thác tiềm năng kinh tế biển theo hướng bền vững

07:01, 29/01/2015

Nhận thức rõ ưu thế về đặc điểm địa hình, từ nhiều năm nay tỉnh ta đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của vùng bờ biển dài 72km trên cả 3 vùng kinh tế là đất liền, cận bờ và xa bờ. Trong đó, tỉnh đã xác định Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tập trung phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng an ninh là nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài cần nhanh chóng triển khai, đưa vào cuộc sống. UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW để hướng dẫn các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong kế hoạch công tác hằng năm. Tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng và thực hiện phát triển kinh tế biển theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực kinh tế có lợi thế như: khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển; chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp tàu thủy và du lịch biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển vùng biển, ven biển để thúc đẩy phát triển nhanh các vùng nội địa. Gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, bố trí sắp xếp hợp lý cư dân vùng ven biển. Tỉnh còn xây dựng đồng bộ và đưa vào áp dụng khung pháp lý về biển và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển liên quan đến biển và vùng ven biển. Tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển để phát triển nguồn nhân lực và phát triển một số tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển. Các ngành cũng đồng loạt nâng cao chất lượng phát triển kinh tế biển theo lĩnh vực quản lý như: nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển công nghiệp, xây dựng; khai thác phát triển tài nguyên biển. Bên cạnh đó, các địa phương có biển đều xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế biển. Huyện Hải Hậu đã đề ra chủ trương khai thác tối đa lợi thế đường bờ biển dài 32km chạy dọc Thị trấn Thịnh Long, các xã Hải Hòa, Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý, Hải Đông và Cảng biển quy mô lớn Thịnh Long. Huyện đã huy động các thành phần kinh tế trên địa bàn đầu tư phương tiện, đóng thêm tàu mới, thành lập các HTX đánh cá xa bờ. Nhờ đó, trong những năm gần đây huyện ngày càng có nhiều đội tàu có đủ điều kiện đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng được tiến hành hợp lý, giúp các phương tiện phát huy năng lực sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có nhiều chủ phương tiện chỉ sau một thời gian đánh bắt hải sản đã hoàn được vốn vay và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn. Huyện còn chỉ đạo các địa phương tận dụng mọi diện tích mặt nước trên địa bàn, kết hợp với việc chuyển một số diện tích làm muối kém hiệu quả, làm lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch khoanh vùng nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi hình thức, phương thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh.

Tàu thuyền của ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ra khơi.
Tàu thuyền của ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ra khơi.

Ở huyện Nghĩa Hưng, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác toàn diện, hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế biển 5 năm, 10 năm; trong đó quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở như: thủy lợi, đường giao thông, điện, nước sạch, khu dân cư, vùng nuôi trồng, vùng sản xuất con giống, vùng trồng cây công nghiệp… phù hợp với đặc điểm từng khu vực và cả vùng. Trong 8.800ha bãi bồi ven biển, huyện đã tập trung trồng sú, vẹt, quy hoạch bãi vạng giống và vùng nuôi trồng thuỷ sản trong đê (vùng đông Nam Điền). Năm 2008, huyện đã tiếp nhận công trình quai đê mở đất khu vực tây Nam Điền từ Bộ Tư lệnh Quân khu III và đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đã triển khai xây dựng hệ thống thuỷ lợi nam Nghĩa Hưng để chủ động nguồn nước tưới, tiêu phục vụ cho nuôi thuỷ sản. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khai thác hải sản cả trong lộng, ngoài khơi… Huyện uỷ Giao Thủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề "Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011-2015". Huyện đã tập trung vốn, nhân lực, tiếp thu công nghệ mới để mở rộng và sử dụng có hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng giữ vững diện tích nuôi hiện có, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa và sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi bán công nghiệp, công nghiệp và cao sản; cải tạo hệ thống thủy lợi để nâng dần năng suất ở các vùng nuôi sinh thái; giải quyết đồng bộ về sản xuất và nhập giống, thức ăn công nghiệp, phòng trừ dịch bệnh; mở rộng các đối tượng nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như cua biển, cá bớp, ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng; trong đó lấy con ngao làm chủ lực. Để kinh tế biển phát triển bền vững, từ năm 2005, UBND huyện đã hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Cửu Dung (xã Giao Xuân) xây dựng thương hiệu "Ngao Giao Thủy". Theo đó, Hội Nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy được thành lập với hơn 100 hộ nuôi ngao tham gia giúp tăng cường mối liên kết giữa các hộ nuôi, cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh bãi nuôi thả... Sau hơn ba năm kiên trì thực hiện sản phẩm ngao của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa cho thương hiệu "Ngao Giao Thủy". Liên tục từ năm 2004 đến nay, "vùng nuôi ngao Giao Thủy" là địa bàn duy nhất ở các tỉnh ven biển phía Bắc đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; sản phẩm được công nhận là thực phẩm an toàn cấp độ B, đủ tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu vào thị trường EU. Trong sáu năm trở lại đây, Giao Thủy đã xuất khẩu khoảng 5.000 tấn ngao thương phẩm/năm sang thị trường EU thông qua các nhà máy chế biến ngao ở một số tỉnh phía Nam. Huyện còn tập trung nâng cao chất lượng sản xuất giống thủy sản, hiện đã có 43 trại, cơ sở sản xuất ngao giống và nhiều loại giống thủy sản mặn lợ khác, không chỉ thỏa mãn nhu cầu về giống để nuôi thả tại địa phương mà còn cung ứng cho nhiều địa phương trong khu vực. Trên lĩnh vực khai thác hải sản, huyện có chủ trương giảm tàu công suất nhỏ, nâng tàu công suất lớn gắn với đổi mới kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản sản phẩm; đồng thời tăng cường quản lý việc đánh bắt xa bờ bằng việc tổ chức các tổ, đội sản xuất trên biển. Theo đánh giá của Sở KH và ĐT, trong những năm qua sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản của 3 huyện ven biển không ngừng tăng qua các năm. Trong đó, cơ cấu giá trị sản xuất ngành thủy sản nuôi trồng ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Hoạt động khai thác thủy sản đã phát triển đánh bắt xa bờ, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu; quan tâm phát triển hạ tầng bến cảng. Sản xuất nông nghiệp tại các huyện ven biển đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp tại 3 huyện ven biển có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. Về công nghiệp, xây dựng, trên địa bàn 3 huyện hiện có 14 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp; 12.400 cơ sở kinh doanh thương mại, du lịch hoạt động, có 52 chợ, chiếm 30% số chợ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội vùng ven biển tăng bình quân 21%/năm (bình quân của tỉnh đạt 23,6%/năm). Đặc biệt, tỉnh đã triển khai quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển như các KCN thuộc Khu kinh tế Ninh Cơ, KCN Thịnh Long (Hải Hậu), KCN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng); thành lập 5 CCN tại các huyện ven biển gồm: Thịnh Lâm (Giao Thủy), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu) với tổng diện tích 64ha. Trước mắt đang triển khai KCN Dệt may Rạng Đông quy mô 1.500ha, do Tập đoàn Vinatex đầu tư hạ tầng, dự kiến giữa năm 2015 sẽ giao đất để triển khai xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là do hạn chế về đầu tư hạ tầng nên đến nay, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Sản xuất vùng ven biển còn nhiều hạn chế, quy mô sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm, mức độ đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư còn yếu, xuất khẩu hàng hóa tuy có bước tiến bộ nhưng quy mô còn nhỏ bé…

Thời gian tới, với mục tiêu sớm đưa Nam Định thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng biển, làm giàu từ biển, tỉnh tập trung phát triển các ngành, nghề biển mà tỉnh có lợi thế theo hướng hiện đại với tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao và tầm nhìn dài hạn. Trước mắt, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của các ngành đã đạt thành tích cao như nuôi trồng thủy sản, nông, lâm nghiệp, tỉnh tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ vận tải đường thủy, đường bộ, đẩy mạnh phát triển vận tải biển. Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ven biển và mạng lưới đường bộ liên hoàn nội địa và khu vực. Phát triển các loại hình dịch vụ, ưu tiên các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, hàng hải, y tế… Xây dựng, phát triển du lịch biển và ven biển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tập trung xây dựng Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) trở thành thành phố, nâng cấp mở rộng khu du lịch biển Quất Lâm, Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu du lịch biển Thịnh Long. Xã hội hóa phát triển du lịch và phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Tập trung xây dựng, phát triển các khu, CCN trên địa bàn các huyện ven biển; nâng cao năng lực các ngành sản xuất nước mắm, đồ uống, hàng hóa tiêu dùng, hàng lưu niệm phục vụ cho khách du lịch. Củng cố đầu tư xây dựng, nâng cấp các nhà máy đóng tàu hiện có đảm bảo công suất lớn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến và dịch vụ, hậu cần nghề cá tại các huyện ven biển; xây dựng mạng lưới chế biến nông sản, thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa, có kế hoạch liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm vùng biển./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com