Những năm qua, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh không ngừng tăng lên. Năm 2006, tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt toàn tỉnh là 8.527ha, đến năm 2012 đã tăng lên 9.625ha, tổng sản lượng đạt 26.994 tấn. Hiện nay, diện tích nuôi cá truyền thống là 9.167ha, sản lượng đạt 24.862 tấn. Các đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép… vẫn là những con nuôi chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, có thể thu tỉa, thả bù quanh năm, thị trường tiêu thụ nội địa ổn định, năng suất luôn đạt từ 3-6 tấn/ha/năm. Cùng với các giống cá truyền thống, giống mới cá lóc bông cũng là đối tượng dễ nuôi, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể nuôi ở mật độ dầy, thị trường tiêu thụ ổn định nên đã hình thành được các vùng nuôi tập trung ở các xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Châu, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng)… Năm 2012, diện tích nuôi cá lóc bông toàn tỉnh là 44ha, sản lượng đạt 786 tấn. Bên cạnh các đối tượng đã nuôi ổn định, nhiều giống mới có giá trị kinh tế được đưa vào nuôi thương phẩm, góp phần tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản nước ngọt, đó là ba ba, ếch Thái Lan, cua đồng, cá rô đồng, cá lăng chấm, cá diêu hồng… được nhiều hộ nông dân phát triển nuôi ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Mỹ Lộc. Điển hình như hộ các ông: Đinh Văn Tráng ở xã Hải Hòa (Hải Hậu) nuôi cá rô đồng, cá lăng chấm cho thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng; Trần Văn Nhường, Đỗ Trung Thực ở xã Hải Châu (Hải Hậu) nuôi cá diêu hồng; hộ ông Việt, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) nuôi cá lóc bông, rô đồng, trắm đen; Cty TNHH một thành viên Đông Hải (Nghĩa Hưng) nuôi ba ba.
Nông dân xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi mới. |
Để đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích, tỉnh còn chú trọng phát triển sản xuất giống thủy sản nước ngọt nhằm bảo đảm chủ động trong sản xuất. Năm 2012, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đã sản xuất được 1 tỷ 410 triệu con giống, trong đó có 18 triệu con cá rô đồng, 100 triệu con cá chép V1. Sản lượng cá giống truyền thống không những đủ cung cấp cho nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cho các tỉnh lân cận. Nhiều cơ sở sản xuất giống đã mạnh dạn liên doanh, liên kết, đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật, mua sắm thiết bị để sản xuất các giống thuỷ sản nước ngọt đạt chất lượng. Được xã tạo điều kiện cho đấu thầu, anh Trần Văn Hiền, xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng 9 ao nuôi thả cá với tổng diện tích hơn 20 nghìn m2 mặt nước. Toàn bộ hệ thống ao nuôi thả cá của anh đều có hệ thống cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, xung quanh ao và đáy được bê tông hóa. Anh Hiền dành 3 ao để ươm cá trắm đen giống, 6 ao còn lại anh nuôi cá vàng, cá chép đuôi dài, cá chép vàng In-đô-nê-si-a… Năm 2012, anh xuất bán hơn 2 tấn cá trắm đen giống và gần 8 tấn cá cảnh các loại, lãi trên 300 triệu đồng. Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh cũng đã cho sinh sản cá lăng chấm và nuôi thử nghiệm cá chình thương phẩm… thành công, mở ra triển vọng mới trong việc phát triển nuôi thủy đặc sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, mạng lưới cung ứng giống đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nền nếp. Các chi cục và các phòng NN và PTNT quản lý chặt chẽ hệ thống cung ứng giống từ các nơi khác về tỉnh, bảo đảm giống nhập về cơ bản đã được kiểm soát 85-90%.
Mặc dù hoạt động nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh tăng về diện tích, sản lượng và giá trị nhưng phương thức hiện nay chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Các vùng nuôi tập trung bán thâm canh và thâm canh còn ít, quy mô nhỏ và manh mún, chưa hình thành các khu nuôi tập trung với quy mô lớn cho sản lượng cao. Việc sản xuất giống chưa thực sự chủ động, đầu tư chưa đồng bộ nên việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nuôi thủy sản chưa mạnh. Đối tượng nuôi cá truyền thống vẫn là chủ đạo, một số đối tượng có giá trị kinh tế cao mới nuôi ở quy mô nhỏ, tự phát chưa trở thành hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ sở dịch vụ hậu cần chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển sản xuất; nguồn nhân lực chưa được quan tâm đào tạo. Để nghề nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh phát triển bền vững, ngành NN và PTNT cần tổ chức đánh giá cụ thể về tiềm năng, thực trạng nuôi thủy sản nước ngọt của các địa phương trong tỉnh; trên cơ sở đó, xác định cụ thể đối tượng chủ lực để có quy hoạch và chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý, thỏa đáng cũng như đề ra giải pháp phát triển phù hợp. Đối với diện tích mặt nước sông, cần lựa chọn đối tượng thủy sản có thời gian nuôi ngắn, tăng trưởng nhanh, tránh thiệt hại vào mùa mưa bão. Đối với các ao có diện tích nhỏ, chủ động được nguồn nước, có thể đầu tư nuôi các con đặc sản để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao và hiệu quả sản xuất lớn. Chuyển những chân ruộng trũng, úng trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản nước ngọt để nâng cao hiệu quả kinh tế. Công tác phòng trừ dịch bệnh và quản lý môi trường nuôi thả phải được kiểm soát chặt chẽ. Cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại địa phương nhằm tạo sự chủ động cho việc nuôi thủy sản thương phẩm; khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh