Tiếp sức, hỗ trợ thanh niên “lập thân, lập nghiệp”

10:02, 27/02/2013

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 103) với những chương trình thiết thực, hiệu quả đã góp phần hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh học nghề, tạo việc làm để “lập thân, lập nghiệp”, vươn lên làm giàu chính đáng.   

Triển khai thực hiện Đề án, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên. Đến nay, hầu hết các nội dung của Đề án đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả. Các hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức phong phú như: tư vấn hướng nghiệp, tư vấn học nghề, tư vấn vay vốn khởi sự doanh nghiệp… Nhiều cơ sở Đoàn đã tích cực tìm tài liệu thông tin thị trường từ Internet để tư vấn việc làm cho thanh niên dưới hình thức tư vấn trực tiếp tại các cuộc họp Đoàn hằng tháng. Trên Bản tin Thanh niên Nam Định, các chuyên mục về nghề nghiệp, việc làm, các mô hình thanh niên lập nghiệp tiêu biểu thường xuyên được đăng tải. Trong 3 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên về nghề nghiệp, việc làm. Nhiều chương trình như “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nam Định”; tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng đã giúp học sinh tìm hiểu thực tế hoạt động của các ngành nghề sản xuất và dịch vụ, qua đó định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức biểu dương, tuyên truyền nhiều gương ĐVTN điển hình tiên tiến trong lập thân, lập nghiệp. Đến nay đã có 140 cá nhân tiêu biểu trong “lập thân, lập nghiệp” được khen thưởng; 8 thanh niên đã vinh dự được nhận “Giải thưởng Lương Định Của” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn tổ chức 67 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chính sách nghề nghiệp, việc làm, các kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn; tổ chức 6 hội thi nâng cao tay nghề, thu hút 2.100 lượt ĐVTN tham gia; thành lập 255 nhóm, CLB giúp nhau lập nghiệp với sự tham gia của 17.892 ĐVTN. Các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về nghề nghiệp, việc làm cho ĐVTN cũng được in ấn và cấp phát rộng rãi đến từng cơ sở Đoàn. Thông qua các hoạt động này, ĐVTN trong tỉnh đã từng bước nâng cao nhận thức về vấn đề nghề nghiệp và việc làm, có định hướng đúng đắn về việc lựa chọn nghề trong tương lai.  

Từ nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên nhận ủy thác, anh Nguyễn Đức Huân, Nguyễn Quang Hiếu, thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên) đã đầu tư phát triển ao nuôi cá thịt, hằng năm cho thu nhập 70 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên nhận ủy thác, anh Nguyễn Đức Huân, Nguyễn Quang Hiếu, thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên) đã đầu tư phát triển ao nuôi cá thịt, hằng năm cho thu nhập 70 triệu đồng.

Cùng với công tác truyền thông, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ ĐVTN lập thân lập nghiệp như: mở các lớp tập huấn, dạy nghề tại chỗ cho thanh niên, gắn với hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, Tỉnh Đoàn và Đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” để tổ chức tập huấn, dạy nghề tại chỗ cho 5.375 ĐVTN gắn với các hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp thanh niên nông thôn có kiến thức, kinh nghiệm lập nghiệp ngay tại địa phương; phối hợp Văn phòng giới thiệu việc làm thanh niên tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho 16.780 ĐVTN, trong đó có 3.137 ĐVTN có việc làm ổn định. Các cấp bộ Đoàn còn chủ động phối hợp Ngân hàng CSXH thành lập các tổ góp vốn quay vòng, các tổ hỗ trợ vay vốn cho thanh niên. Đến hết năm 2012, hàng chục nghìn lượt ĐVTN trong tỉnh đã được vay vốn với tổng dư nợ 91,156 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao và góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế không phải cơ sở Đoàn nào cũng xây dựng được kế hoạch phối hợp chi tiết với các ngành chức năng có liên quan nên kết quả đạt được chưa cao. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn chưa chủ động cập nhật các chủ trương, chính sách cũng như văn bản pháp luật liên quan đến nội dung đề án nên việc triển khai chưa được sâu rộng. Văn phòng giới thiệu việc làm thanh niên đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Để Đề án 103 thực sự tác động, là “đòn bẩy” đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, các cơ sở Đoàn cần xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cụ thể, phù hợp với đặc thù của đơn vị. Cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp; nâng cao năng lực tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở; tích cực tìm và nhân rộng những mô hình, cá nhân xuất sắc trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com