Việc dùng chất độn chuồng trong chăn nuôi đã xử lý được chất thải, hạn chế được mầm bệnh cho đàn vật nuôi và ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng được nguồn phân chuồng cho sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi mới trong chăn nuôi nông hộ nhằm phát triển bền vững.
I - Từ những mô hình đầu tiên
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong tỉnh đã tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá như nuôi nhiều, dùng thức ăn công nghiệp… nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến ở các khu dân cư. Để khắc phục tình trạng này chăn nuôi được tổ chức theo hướng xây dựng các trang trại, gia trại xa khu dân cư và xử lý chất thải bằng bể biôgas. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NN và PTNT, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của toàn tỉnh từ chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm 70-80%. Mặc dù số lượng hộ chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 50% tổng số hộ nông dân nhưng số lượng đầu gia súc (chủ yếu là lợn) ở mỗi hộ thường đạt 30 đến hàng trăm con mỗi lứa. Ngoài ra, việc sử dụng bể biôgas để xử lý chất thải chăn nuôi ở các hộ chưa triệt để, hiện tượng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi vẫn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân. Chăn nuôi sử dụng biôgas làm mất lượng lớn phân chuồng để phục vụ cho trồng trọt, cấy lúa. Hàng chục năm nay, nông dân chỉ sử dụng phân hoá học trong canh tác, vừa làm chai cứng đất, vừa thiếu các nguyên tố trung vi lượng rất cần cho cây trồng. Để chống ô nhiễm trong chăn nuôi và có lượng phân chuồng cải tạo đất, cuối năm 2009 một số hộ chăn nuôi đã áp dụng phương pháp dùng chất độn chuồng để xử lý chất thải. Điển hình là hộ anh Nguyễn Hồng Kỳ ở xóm 2, xã Hải Hà và hộ anh Nguyễn Văn Khơi xóm Tây Cát, xã Hải Đông (Hải Hậu), một số hộ ở xã Yên Thành (Ý Yên) và ở huyện Nghĩa Hưng… Theo anh Vũ Hồng Kỳ với 2 ô chuồng có tổng diện tích 50m2 làm đệm lót sinh thái chi phí chỉ bằng 40% so với làm bê tông nền chuồng, lại khử được mùi phân, nước tiểu và mùi mồ hôi của con nuôi, lợn lớn nhanh hơn, ít bệnh tật, không phải vệ sinh ô chuồng, không cần dùng nước tắm cho lợn mà mỗi ngày chỉ cần 3-5 phút buổi sáng cào san phân lợn. Đặc biệt, chăn nuôi dùng chất độn chuồng tốt với nuôi lợn choai, lợn thịt và rất tốt đối với nuôi lợn nái sinh sản, kể cả nuôi theo mô hình trang trại. Nuôi lợn vào mùa đông, nhiệt độ trong chuồng luôn cao hơn bên ngoài do vi sinh vật hoạt động nên lợn tăng trọng nhanh, ít tốn thức ăn, hiệu quả cao hơn 20-30%.
Dùng chất độn chuồng sinh thái làm giảm ô nhiễm môi trường, chi phí đầu vào, hạn chế dịch bệnh, tạo hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi. |
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với trạm Khuyến nông huyện Nam Trực xây dựng mô hình nuôi dùng chất độn chuồng sinh thái cho 40 con lợn thịt lai F2 làm đối chứng với 10 con lợn nuôi trên nền bê tông. Nuôi trong điều kiện mùa hè nắng, nóng, cả mô hình và đối chứng trọng lượng lợn không khác, sự tiêu tốn thức ăn cho mỗi kg tăng trọng như nhau, nhưng tại chuồng nuôi theo phương pháp dùng chất độn chuồng hầu như không có côn trùng (ruồi muỗi…) và mùi khí thải. Trong khi chuồng nuôi nền bê tông thì nhiều ruồi muỗi, mùi chất thải và mùi mồ hôi lợn. Anh Đoàn Văn Hải, chủ hộ chăn nuôi dùng chất độn chuồng cho biết: Trong chuồng nuôi đệm lót sinh thái hầu như không có mùi và ruồi muỗi, không phải rửa chuồng và tắm cho lợn. Cả đàn lợn 40 con không có con nào mắc bệnh đường ruột, trong khi 10 con nuôi ở chuồng nền bê tông có con mắc bệnh phải dùng thuốc. Các chuyên gia ngành nông nghiệp và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến tham quan đều công nhận chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh thái môi trường nuôi trong lành. Qua thực tế, các mô hình chăn nuôi lợn dùng chất độn chuồng của các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên và Nam Trực đều khẳng định tính ưu việt của phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng và khẳng định đây là hướng chăn nuôi thích hợp trong giai đoạn hiện nay cần mở rộng nhằm hạn chế bệnh tật, không gây ô nhiễm môi trường và tận dụng được lượng lớn phân chuồng để cải tạo đất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững với sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
II - Nhân rộng mô hình dùng chất độn chuồng trong chăn nuôi
Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội trong phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng đã được khẳng định, song đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Về nguyên liệu làm chất độn chuồng chủ yếu là mùn cưa, ngoài ra các phụ phẩm khác có thể dùng làm chất độn chuồng là trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô, vỏ hạt bông… đều phải nghiền nhỏ kích thước 3-5mm để trộn với mùn cưa, bảo đảm độ dày nền độn đạt 50-70cm, cùng 15kg bột ngô và 2kg chế phẩm BALASA-No1 cho chuồng nuôi diện tích 25m2, nuôi 20 con lợn/lứa, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn nông dân cách xử lý. Một đệm lót chuồng nuôi lợn có thể sử dụng trong 2-3 năm mới phải thay. Tất cả tầng đệm lót đã qua sử dụng là nguồn phân chuồng bón ruộng, vừa cải tạo đất, làm tơi, xốp đất, vừa có lượng vi sinh vật, chất trung, vi lượng cung cấp cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân vô cơ - một yếu tố chính cùng với quản lý dịch hại cây trồng IPM tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. Các nguyên liệu dùng làm chất độn chuồng trong chăn nuôi đều dễ kiếm, lại tận dụng được nguồn vi sinh vật và thiên địch có lợi cho cây trồng. Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng là hướng đi mới trong chăn nuôi nông hộ phát triển bền vững, không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và ít dịch bệnh. Hiện nay, trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu phương pháp dùng chất độn chuồng trong những tháng mùa hè để không ảnh hưởng tới con nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao…”. Trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn dùng chất độn chuồng trong các tháng mùa đông, xuân, thu đều tốt, lợn tăng cân nhanh hơn, lượng thức ăn ít hơn so với nuôi nền chuồng bằng xi măng. Hơn nữa lợn nuôi không phải sản sinh nhiệt để chống rét trong những ngày rét và một phần các protein sinh vật tạo ra từ đệm lót sẽ trở thành thức ăn sinh thái cho lợn nuôi. Khi được phân giải các chất dinh dưỡng trong phân của vật nuôi sẽ chuyển hoá thành protein của vi sinh vật có lợi. Vật nuôi ăn vào sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hoá tốt hơn, thậm chí hấp thu thêm dưỡng chất…, nhờ đó hiệu quả sử dụng thức ăn của con nuôi được tăng hơn. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đang nghiên cứu cải tiến chuồng nuôi để trong 2-3 tháng hè nóng nực hạn chế được nhiệt độ trong chuồng như: Phun tưới nước mát lên mái chuồng, trồng dây leo lên mái, tạo sân chơi… để hoàn chỉnh quy trình nuôi trong cả 12 tháng, phát huy những ưu điểm của đệm lót sinh thái trong nuôi lợn. Nếu hoàn chỉnh quy trình, tránh được nhược điểm khi nắng nóng thì đây là điều kiện tốt để tái đàn, tái chăn nuôi tại các hộ gia đình bảo đảm hiệu quả bền vững, không bị ô nhiễm không khí, nguồn nước, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu hoá chất phòng bệnh và thuốc trị bệnh, nhất là bệnh phổi và bệnh đường ruột cho đàn lợn nuôi.
* *
*
Chăn nuôi lợn, gà là thế mạnh của tỉnh ta, cộng với phương pháp chăn nuôi dùng chất độn chuồng sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu vào… tạo hiệu quả kinh tế cao, bền vững là một hướng đi mới trong chăn nuôi nông hộ khi chưa có đủ điều kiện xây dựng các vùng chăn nuôi trang trại, công nghiệp tập trung. Ngoài tạo ra hiệu quả chăn nuôi bền vững, thu được sản phẩm sạch thì một lượng phân chuồng không nhỏ từ chăn nuôi áp dụng phương pháp độn chuồng quay trở lại cải tạo đất, chống chai cứng đất khi dùng quá nhiều phân hoá học và cung cấp đủ các dưỡng chất cho cây trồng phát triển và chất lượng thành phẩm cây trồng cũng được cải thiện với nhiều nguyên tố hữu ích cho con người./.
Tất Thắc