1. Đối tượng và điều kiện áp dụng
a) Đối tượng
Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
b) Điều kiện
Người được Ủy ban Hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, trong thời gian và địa bàn như sau:
- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9-1945 đến ngày 20-7-1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20-7-1954 đến ngày 30-4-1975. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Căm-pu-chia.
- Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5-1975 đến ngày 7-1-1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến tháng 12-1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5-1975 đến ngày 31-12-1988, ở Căm-pu-chia từ tháng 1-1979 đến ngày 31-8-1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.
2. Chế độ, chính sách được hưởng
Đối tượng có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 nêu trên được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
a) Chế độ trợ cấp một lần
Mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn), cụ thể như sau:
- Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;
- Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng;
- Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.
Người đã từ trần, một trong những thân nhân sau đây của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.
b) Chế độ BHYT
Người chưa được hưởng chế độ BHYT thì được hưởng chế độ BHYT tương tự như đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
c) Chế độ mai táng phí
Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về BHXH.
d) Được cấp “Giấy chứng nhận” tham gia dân công hoả tuyến.
3. Hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ
a) Hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ trợ cấp một lần
* Hồ sơ xét hưởng chế độ một lần, gồm: 01 bản khai của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần); bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ tham gia dân công hỏa tuyến (nếu có).
* Trình tự giải quyết
- Đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần) có trách nhiệm lập bản khai và trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định nêu trên cho UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; cấp xã tổ chức xét duyệt theo từng đợt, tổng hợp báo cáo Ban CHQS cấp huyện;
- Ban CHQS cấp huyện rà soát, đối chiếu, tổng hợp, báo cáo; Bộ CHQS cấp tỉnh thẩm định đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần.
Thời gian giải quyết chế độ cho đối tượng theo trách nhiệm được giao của mỗi cấp không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết thì cơ quan tiếp nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
- Sau khi được cấp kinh phí trợ cấp, trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ban CHQS cấp huyện tổ chức chi trả trực tiếp chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng.
b) Hồ sơ, trình tự cấp thẻ BHYT
Hồ sơ, trình tự cấp thẻ BHYT được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT đối với người có công với cách mạng.
c) Hồ sơ, trình tự giải quyết trợ cấp mai táng phí
* Hồ sơ giải quyết trợ cấp mai táng phí gồm: Bản trích sao quyết định của đối tượng từ trần đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần; giấy chứng tử.
* Trình tự giải quyết:
- Thân nhân của đối tượng trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định nêu trên cho UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; sau 05 ngày làm việc, cấp xã tổng hợp, báo cáo Phòng LĐ-TB và XH;
- Phòng LĐ-TB và XH kiểm tra, đề nghị; Sở LĐ-TB và XH cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh ra quyết định hưởng trợ cấp mai táng phí đối với thân nhân từng đối tượng. Thời gian giải quyết chế độ đối với thân nhân đối tượng theo trách nhiệm được giao của mỗi cấp không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết thì cơ quan tiếp nhận phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;
- Sau khi có kinh phí trợ cấp, trong thời hạn 10 ngày làm việc, Phòng LĐ-TB và XH trực tiếp chi trả trợ cấp mai táng phí cho thân nhân đối tượng.
d) Bộ Quốc phòng ban hành mẫu thống nhất “Giấy chứng nhận” tham gia dân công hỏa tuyến; Bộ Tư lệnh Quân khu ký và giao Ban CHQS cấp huyện trao cùng với việc chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với từng đối tượng.
4. Hiệu lực thi hành
- Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2015.
- Các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này được thực hiện từ ngày 1-1-2016./.